Bất ngờ kết quả giám sát các vụ “dân kiện quan”

(Dân trí) - Phải chăng các cơ quan thực thi pháp luật đã bó tay trước tình trạng không tuân thủ pháp luật diễn ra công khai như vậy?


Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: Tại sao những hoạt động mang tính phong trào thì lãnh đạo đi được mà việc đối thoại với dân lại không?.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga: "Tại sao những hoạt động mang tính phong trào thì lãnh đạo đi được mà việc đối thoại với dân lại không?".

Những tham luận bàn về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính (dân kiện quan - pv) đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND ngày 22/8 vừa qua khiến dư luận thật sự bất ngờ.

Thứ nhất, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ngày càng “ngại” dự tòa khi bị dân thưa kiện. Kết quả giám sát cho thấy, năm 2017, tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia các phiên xử tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện luật Tố tụng hành chính 2015.

Nguyên nhân “ngại” là do có quá nhiều đơn kiện của dân. Chánh án TAND TC Nguyễn Hòa Bình cho biết, với Hà Nội và TP HCM, mỗi ngày trung bình có 3 vụ, thì phải cần có 3 ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên để làm việc này.

Nhưng “ngại” tới mức, như Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga phân tích, ít nhất lãnh đạo chính quyền cũng phải tham gia được một vài vụ việc chứ không lẽ trong 3 năm trời, một thành phố lớn như TP HCM không phân được cấp phó nào làm việc? Trong khi đó, bà Nga chua chát, “Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia… được.”

VÀ TP HCM chỉ là một ví dụ, trong khi rất nhiều tỉnh cũng mắc vào tình trạng này.

Vậy dư luận muốn biết, nguyên nhân thật sự nhiều vị lãnh đạo UBND vì sao cứ tìm cách né tránh các cuộc đối thoại, tránh các phiên tòa?

Thứ hai, Chánh án Nguyễn Hòa Bình xác nhận, trong tất cả các loại án, tồn đọng án hành chính lớn nhất, tỷ lệ sửa cao.

Tồn đọng nhiều bởi, theo luật, chưa có đối thoại giữa dân và chính quyền thì tòa chưa thể thụ lý và xử. Trong khi đó, năm 2017, TP HCM có 260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do chủ tịch, phó chủ tịch vắng mặt. Như vậy, đồng nghĩa vụ án không thể diễn ra. Và như vậy, nếu các quyết định hành chính sai, dân chỉ còn cách cố … chịu đựng.

Còn tỷ lệ sửa cao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ chua chát, nhiều thẩm phán xử án hành chính tại địa bàn sau đó bị sửa án không buồn mà thậm chí còn… vui. Đó là vì họ bất lực trước cơ quan hành chính địa phương, do lệ thuộc nên bất lực. Còn vui vì toà án cấp trên chính sửa bản án đã bị chi phối, sau đó để làm rõ UBND sai...” Đây là sự thật cay đắng với các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi chính quyền đại phương.

Thứ ba, để xét xử vụ án hành chính đã khó, nhưng đến khi bản án có hiệu lực cũng không dễ thi hành.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chính vì đại diện chính quyền không tham gia quá trình tố tụng đã dẫn đến thi hành án hành chính khó khăn, "khi Toà tuyên thua thì thì mới giật mình, kháng nghị"

Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Thường trực Uỷ ban Tư pháp, cho biết, hiện còn 36 bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành nhưng chưa được chủ tịch và UBND các địa phương thi hành. Thậm chí có bản án hiệu lực từ 2011 nhưng chưa được thi hành, do lãnh đạo địa phương không đồng tình và cho biết sẽ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Điều đó, bà Thủy cho rằng, không phù hợp với Luật Tố tụng hành chính, bởi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Tuy nhiên, bà Thủy nhấn mạnh: Chưa có trường hợp nào chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ thi hành án.

Về vấn đề này, ủy viên UB Tư pháp Hoàng Văn Hùng bức xúc, không chấp hành bản án tức là không chấp hành quy định của pháp luật mà chưa ai bị xử lý gì. Ông Hùng còn cho biết: “Tôi đi giám sát, có ông còn tuyên bố “còn làm Bí thư thì chưa chấp hành bản án” ?!

Vậy lẽ nào các vị thực thi pháp luật phải chịu thua những ông quan này chăng? Bất kể lý do gì, đây là điều không thể chấp nhận được.

“Sống và làm việc theo pháp luật” là khẩu hiệu được nêu cao và mọi người phải có nghĩa vụ tuân thủ, không có ngoại lệ.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm