Bất ngờ… Điện ảnh!

(Dân trí) - Trời ơi! Thất thoát những 42 tỉ đồng chứ đâu phải 4,2 tỷ cơ chứ. Một số tiền quá lớn đối với những người nghèo như chúng tôi. Đề nghị làm rõ trách nhiệm cũng như sự liên quan của những người đứng đầu trong vụ việc thất thoát này. Linh thuylinh140685@yahoo.com thảng thốt.

Bất ngờ… Điện ảnh! - 1
Trụ sở Cục Điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội

 

Áo gấm đi đêm?

 

Cùng chung tâm trạng trước vụ việc “động trời” của ngành điện ảnh nước nhà, bác Ngô Song Trí 82 tuổi tringosong2810@gmail.com  gửi tới Dân trí những dòng tâm huyết:

 

“Là cán bộ hưu ngành văn hoá, tôi rất bất bình chuyện để thất thoát 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh và hoàn toàn không tán thành việc xin từ chức của 2 ông lãnh đạo Cục. Đâu phải từ chức để rũ trách nhiệm. Xưa kia hồi những năm 9O của thế kỷ trước, ông Hùng - Chủ nhiệm Công ty phát hành sách Hà Nội đến tuổi hưu còn không được duyệt nghỉ hưu khi Thanh tra Bộ chưa kết luận việc tham ô của công ty này. Đến khi rõ trắng đen, ông Hùng mới được nghỉ hưu và trắng án. Tôi xin đề nghị: cho 2 ông viết kiểm điểm và tạm nghỉ lãnh đạo, hưởng trợ cấp, không được đi khỏi TP, chờ kết luận vô can mới cho nghỉ hưu hưởng chế độ. Có thế mới nghiêm minh và không phiền cho Bộ”.

 

Có lẽ cũng do quá bị bất ngờ như nhiều người dân trước việc ngành điện ảnh để xảy ra vụ thất thoát nhiều tỉ như thế, trong khi hầu như lúc nào ngành cũng kêu thiếu sự quan tâm dẫn tới thiếu kinh phí đầu tư, dẫn tới phim ảnh VN mất dần vị thế vào tay phim ảnh ngoại… Lê Châu Long chaulong201@gmail.com không giấu được thất vọng:

 

“Làm thất thoát không giải trình được thì phải có tránh nhiệm bồi thường. Phải tìm ra nguyên nhân vì số tiền rất không nhỏ. Nếu cứ để thất thoát rồi xin từ chức thì ai cũng làm ở Cục được. Quá thất vọng với điện ảnh nước nhà!”

 

VN talenttai@yahoo.com.vn còn nặng nề hơn: “Tôi sẵn sàng từ chức nếu làm thất thoát 2 tỷ thôi. Làm thất thoát rồi từ chức là xong thì có lẽ cũng sẽ trở thành cứu cánh của không ít cán bộ”.

 

Song song với những ý kiến gay gắt, cũng có những người bày tỏ cảm thông và chia sẻ với các vị lãnh đạo ngành Điện ảnh:

 

“Tôi thấy vẫn cần cảm ơn 2 anh Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh. Thất thoát 42 tỷ đồng là lớn thật và đối tượng làm thất thoát tiền cũng có vẻ rõ ràng. Về trách nhiệm quản lý của các anh đã để xảy ra điều đáng tiếc, nhưng văn hóa lãnh đạo dũng cảm từ chức thì các anh đáng được nêu gương. Không biết có phải các anh là những người đi tiên phong không nữa, nhưng cũng hy vọng từ đây các anh sẽ là tấm gương dũng cảm từ chức cho người khác noi theo” -  Lê Triệu Vũ:  letrieuvu@gmail.com viết.

 

“Biết thế là được, hiểu mình nên làm thế nào…. Từ chức và văn hóa từ chức giá như không chỉ ở những vụ như thế này! VFF  hình như cũng thuộc  trách nhiệm quản lý của bộ này… “  - Tue Thu:  ngocanhhspc@yahoo.com liên hệ từ điện ảnh sang… bóng đá…
 
Bất ngờ… Điện ảnh! - 2
Một số nghệ sĩ điện ảnh thế hệ hàng đầu đã góp phần làm nên lịch sử điện ảnh (ảnh: Sức khỏe & đời sống)

 

Bài học xương máu

 

Cũng là người từng làm ở Cục Điện ảnh hơn 10 năm, lại một lần nữa tôi phải nếm trải cảm giác chua xót trước vụ scandal mới mà thật ra có thể nói là một sự lặp lại chuyện đáng buồn và lẽ ra đã phải được các nhà lãnh đạo ngành rút ra những bài học xương máu.

 

Ngay từ tuần trước, một cựu thành viên Cục Điện ảnh khác đã điện cho tôi, giọng thất thanh:  “Em là nhà báo, chắc biết rõ về vụ thất thoát tới 42 tỉ đồng ở cơ quan cũ của chúng mình? Chẳng biết các sếp mới quản lý thế nào mà để kế toán trưởng ôm cả núi tiền lặn mất tăm…”

 

Tôi cũng như nhiều người dân đều bàng hoàng, vì tưởng đâu điện ảnh nước mình “nghèo lắm” như mọi người (bao gồm cả nhiều bạn bè của chính tôi) trong ngành vẫn ca thán. Chẳng thế mà không ít nghệ sĩ dù rất yêu người đẹp “Nghệ thuật thứ Bảy” vẫn phải khăn gói bỏ sang ngành khác, và rồi từ xa nhìn lại với bao tiếc nuối cho lĩnh vực mà mình tưởng đâu có thể yêu quý và gắn bó suốt đời.

 

Theo tổng kết không chính thức của bạn bè tôi giờ vẫn còn bám trụ với ngành, thì đa số những người rời bỏ điện ảnh ra đi đều thành danh hơn nhiều ở các lĩnh vực khác, kể cả trong lĩnh vực rất gần gũi như truyền hình hay trong những ngành nghề khác không liên quan tới cinema. Mà xem ra ngành điện ảnh cũng chẳng quan tâm tới tình trạng chảy máu chất xám của mình cho lắm, nữa là chuyện... "chảy máu tài chính".

 

Điện ảnh VN cũng đã có được thời vàng son, nhưng chính tại thời điểm đó đã xảy ra vụ việc dù không lớn nhưng khá gây chấn động trong làng văn hóa khi ấy. Đó là vụ một phó văn phòng Cục có tiếng là năng nổ, tháo vát, giỏi làm “kế hoạch ba” kiếm thêm nguồn phụ phí cho anh em. Đùng một cái, sau chuyến đi công tác TP HCM ra anh bị bắt ngay tại cơ quan Cục.

 

Là những nhân viên quèn, chúng tôi chỉ phong thanh đâu như anh dính líu tới vụ in lậu lịch tận dụng nguồn giấy lề. Số tiền thất thoát không lớn, nhưng anh vẫn phải ngồi tù vài năm, rồi trở lại ngành làm ba việc lặt vặt tại văn phòng trước khi nghỉ hưu.

 

Sau đó còn có một kế toán trưởng và một nhân viên phòng Kế hoạch của Cục (lâu ngày tôi không nhớ rõ có phải trong cùng một vụ hay là hai vụ khác nhau) cũng bị bắt và ngồi tù. Những người này đều có tiếng là rất cẩn thận, thậm chí tới mức khắt khe trong việc kiểm soát mọi khoản chi tiêu công… Số tiền tham ô nghe đâu chỉ vài triệu, nhưng ngày đó là rất to và phải chịu tình tiết tăng nặng về tội danh do rút ruột tiền ngân sách.
 
Có lẽ cũng là người trong ngành, Trần Trung tranbatue417@yahoo.com.vn nhắc lại bài học về quản lý: "Hồi đầu những năm 1990 thế kỷ trước, thông cảm với khó khăn trong hoạt động của ngành điện ảnh khi bước vào thời kỳ mới, Chính phủ cho Cục Điện ảnh vay 10 tỷ đồng để phục vụ việc sáng tác và sản xuất phim (xin lưu ý 10 tỷ đồng thời gian đó lớn lắm). Nhưng Cục lại đã dùng số tiền đó để xây nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Lúc đó Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao - Du lịch) chỉ đạo việc kiểm điểm và chấn chỉnh công tác quản lý tài chính của Cục Điện ảnh. Nay, gần 20 năm sau, Cục lại làm thất thoát 42 tỷ đồng của công quỹ. Trách nhiệm của những người quản lý để xảy ra vụ tiêu cực này là lớn lắm, chỉ từ chức thôi đâu có được?”
 

“Tôi không biết là các bạn nghĩ sao, chứ tôi thấy ở VN giờ tham nhũng nhiều quá. Thất thoát  42 tỉ chứ không phải chỉ 42 ngàn đồng mà các quan chức này nói có vẻ đơn giản quá. Số tiền đó tính theo mệnh giá to nhất là 500 ngàn thui, tui không biết là đem bỏ đầy  mấy bao tải nữa chứ đâu phải chỉ bỏ vào một cái bao thư đâu. Thật là thiếu trách nhiệm” – nick Viet Nam:  vietnam@yahoo.com ví von tuy chưa sát thực lắm, nhưng tôi thấy cũng có lý bởi công tác kiểm tra, giám sát thế nào mà để kế toán trưởng lần này “lọt lưới” dễ dàng như trong… chuyện đùa vậy được?

 

Thanh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm