Bảo tồn sắc màu truyền thống của văn hóa hội làng

(Dân trí) - Với hàng ngàn lễ hội diễn ra dịp đầu Xuân trên cả nước mà công tác tổ chức lễ hội vẫn còn nhiều bất cập, thì vẫn còn đó những nỗi canh cánh với người du xuân, nhất là khi không ít tiêu cực từ các mùa lễ hội trước còn chưa được khắc phục.

Bảo tồn sắc màu truyền thống của văn hóa hội làng - 1
Các ông pháo được đưa ra đình làng trong lễ rước pháo Đồng Kỵ năm nay (ảnh: Việt Hưng)

 

Hành động cụ thể trị… "bệnh tiêu cực"

 

Cũng bày tỏ mối quan tâm tới nhu cầu văn hóa cộng đồng này của đông đảo người dân,  duong bin I_am_on_the_move@yahoo.com đồng thời một lần nữa góp thêm “hồi chuông” cảnh báo:

 

“Hội làng thực sự là một nét văn hóa vô cùng đặc sắc trong văn hóa chung của người Việt. Mỗi hội làng mang một màu sắc riêng, nhưng đều thể hiện được một đặc điểm rất chung trong văn hóa của người Việt là tính cộng đồng và lòng tôn kính đối với các bậc tiền bối, ông bà tổ tiên. Đây thực sự là một báu vật trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Nhưng đáng buồn là nhiều hội làng ngày nay đã dần phai nhạt đi màu sắc truyền thống vốn có, thậm chí có những hội làng đã vĩnh viễn mất đi. Nếu chúng ta không bảo tồn được kho tàng văn hóa này, chúng ta thực sự có lỗi với hậu thế. Vì vậy chúng ta cần phải có những hành động cụ thể trong công tác bảo tồn văn hóa hội làng. Đặc biệt là sự quan tâm và đầu tư thiết thực của những cơ quan trực tiếp làm công tác bảo tồn văn hóa”.

 

Điều đó cũng được nhấn  mạnh trong bài viết có tựa đề “Ðể lễ hội an toàn và lành mạnh” đăng trên báo Nhân dân ngày 27/1 (mùng 5 Tết Nhâm Thìn). Trong đó nhấn mạnh: Mùa lễ hội năm nay vẫn đối mặt với không ít thách thức, khó khăn bởi nhiều hạn chế, tiêu cực từ các mùa lễ hội trước vẫn tồn tại “như một căn bệnh khó chữa”.

 

Hẳn là thế rồi! Với con số người về dự các lễ hội năm sau tăng hơn năm trước, vốn đã lên tới hàng triệu lượt người hành hương và tham quan năm ngoái, thì năm nay dịp Tết được nghỉ dài ngày hơn, chắc chắn dòng người đổ về các lễ hội nổi bật như: Ðền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Ðính (Ninh Bình), đền Trần (Nam Ðịnh),  Bà Chúa Thiên Hậu (Bình Dương), Bà Chúa Xứ (An Giang), Núi Bà Ðen (Tây Ninh)... sẽ càng quá tải hơn nữa.

 

Tất nhiên, không thể không ghi nhận những chuyển biến tích cực  trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đã ghi được dấu ấn tại một số nơi mà chủ yếu là nhờ được sự quan tâm sát sao hơn của chính quyền các cấp và các ngành chức năng. Tiếng khen nhờ vậy đã tăng lên.

 

Nhưng lời chê của những người hành hương mà nhiều khi cứ như phải “hành xác” cộng với nỗi bức xúc trước tình trạng bị “chặt chém” giá cả vô tội vạ từ chỗ gửi xe tới các điểm  kinh doanh ăn uống, nơi trọ, bán đồ lễ, tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần, bán thánh”… thì vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Và câu chúng tôi thường đọc được từ không ít bình luận phản hồi của bạn đọc là: Đi một lần rồi… khiếp vía! 

 

Đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã nêu rõ: trong khi những tiêu cực như tình trạng xâm hại di tích, tùy tiện, tu bổ, tôn tạo không xin phép cơ quan quản lý đã phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích, dùng tiền công đức lãng phí và phản cảm ... còn chưa được xóa bỏ, thì đã lại có nguy cơ gia tăng khi khắp nơi đua nhau mở lễ hội với xu hướng tự nâng cấp lễ hội, tự xưng danh là lễ hội cấp quốc gia, quốc tế mà không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Số người dự lễ hội ngày càng đông khiến cho cơ sở hạ tầng của lễ hội quá tải. Nếu không khắc phục được tình trạng trên, những giá trị của lễ hội truyền thống sẽ bị che lấp khó có thể tồn tại bền vững.
 
Bảo tồn sắc màu truyền thống của văn hóa hội làng - 2
Cứ mỗi đầu xuân, hàng vạn người lại thành tâm bái Phật hành hương về non thiêng Yên Tử (ảnh: Quốc Đô)

 

Toàn xã hội chung tay

 

Nhiều giải pháp đã được các nhà chuyên môn nêu ra nhằm ngăn chặn những khía cạnh  tiêu cực như mặt trái vẫn tồn tại của lễ hội, nhưng xem ra vẫn chưa phải là những liều thuốc đắng để có thể dã tật được.

 

Chúng ta đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dự lễ hội rồi. Song ý nghĩa sâu xa của lễ hội là biết ơn các bậc tiền nhân có công với dân với nước, hướng về cội nguồn, hướng về chân, thiện, mỹ vẫn bị không ít người chứng tỏ niềm tin vào tín ngưỡng, thần linh một cách thái quá mà quên đi mất…

 

Những biện pháp tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc cũng đã được triển khai, áp dụng. Song rõ ràng việc này phải được thực sự coi là sự nghiệp chung của toàn xã hội, để mỗi người dân cùng có ý thức đóng góp xây dựng thì mới có thể thành công.

 

Mùa lễ hội năm nay đã bắt đầu với những: Yên Tử (Quảng Ninh), Hội gò Đống Đa (Hà Nội), rước Pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hội chùa Hương, đua thuyền truyền thống đầu năm ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), lễ hội Chợ Đình Bích La (Quảng Trị), Hội đua thuyền đầu xuân (Đắk Lắk)…

 

Mong muốn chung của người dân là làm sao các lễ hội vẫn giữ gìn được bản sắc truyền thống, vừa có được  không khí tươi mới, không còn bóng dáng tệ nạn gây phản cảm và bức xúc cho người hành hương cũng như người dân các địa phương.

 

Để những lời mời như với lễ rước pháo Đồng Kỵ ngày càng nhận được sự hưởng ứng, đáp lại nhiều hơn. Như bạn đọc có email anhsangtinhyeu_19_8@yahoo.com đã vui vẻ giới thiệu: “Hội nhà mình đấy, sang  năm mời các bạn lại đến dự nha! Hội được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết, bắt đầu từ 9 giờ sáng”

 

Quang vanquangtb101@gmail.com khen ngợi: “Thật tuyệt khi còn nhìn thấy được lễ hội như vậy. Ước gì những làng quê Việt vẫn còn giữ được những phong tục hay như thế này nhỉ”.

 

Trần Hải new.haiway@gmail.com bày tỏ niềm thích thú song cũng lưu ý: “Haha, nhìn mấy ảnh quen thuộc, vui thật! Nhiều cậu sang nhà tôi chơi game từ nhỏ, bây giớ lớn ghê. Trai làng Đồng Kỵ rất mạnh mẽ, xông pha, có khi là liều lĩnh! Lực lượng dân làng Đồng Kỵ thì cực kỳ hùng hậu, họ cũng biết "ăn to nói lớn" và làm ăn rất giỏi! Chỉ có điều môi trường ở đó quá ô nhiễm và họ cũng liên quan (trực tiếp/gián tiếp) đến nạn chặt phá rừng đấy...”

 
Có sự chung tay góp sức của toàn dân, trước hết là nhận thức về ý thức của chính mình, các mùa lễ hội mới thực sự tỏa sáng, đem lại niềm vui, sự thư thái, thảnh thơi trong tâm hồn, sự bình an trong cuộc sống đúng với mong ước của tất cả chúng ta.
 
Khánh Tùng