Bao giờ Dân thoát ám ảnh vì Xe
(Dân trí) - Người dân vẫn chưa thể… thở bình thường khi hội chứng xe chính chủ vẫn ám ảnh, kể cả khi đã có thông tin về khả năng “có thể tạm dừng áp dụng xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ…” Cái Xe khốn khổ có lẽ vẫn chưa thoát được thế bị… chiếu tướng?
Có một nỗi lo mang tên "con Xe"
Than thở thay cho phận “con Xe” (vốn chẳng biết nói năng, mà để đến được với người tiêu dùng của một đất nước còn nghèo như VN thì từ thân phận chỉ là một loại phương tiện sử dụng đơn giản nó đã bị đội giá lên gấp nhiều lần, trở thành thứ tài sản đáng giá có khi bằng cả một gia tài) Vũ Tân vu.tan151@gmail.com liên tưởng:
“Trên thế giới có 252 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng tôi dám khẳng định chưa có quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong một thời gian ngắn lại nghĩ ra được nhiều thông tư, nghị định để phạt dân nhiều và nhanh như thế…. Một bộ máy hành chính hưởng lương ngân sách tới 22 triệu người/90 triệu dân mà làm việc kiểu thế này thì thử hỏi làm gì dân không khổ!!!”
The Kien kiennt@gmail.com đào sâu hơn để kết nối vấn đề sang chuyện lãng phí, chuyện trái bóng trách nhiệm được chuyền qua, chuyền lại…
“Đây là biểu hiện của sự lãng phí: xây dựng quy định không nghiên cứu kỹ, bây giờ lại phải tổ chức họp bàn, lấy ý kiến, nghiên cứu lại... Làm tốn không biết bao nhiêu là thời gian, chi phí từ tiền thuế của dân. Bây giờ hình như “ông” này lại đá bóng trách nhiệm sang “ông” khác, rằng vì mức lệ phí sang tên chuyển chủ cao nên người dân không chịu sang tên chuyển chủ. Chẳng biết rồi “ông” Bộ Tài chính có phản ứng tích cực nào cho dân đỡ bất an hay không?”
Nguyễn Tiến Vượng vuongnt06@yahoo.com.vn lật lại “hồ sơ” vụ việc nhiều xe không thể “chính chủ” để biện minh cho cái thế chẳng đặng đừng của nhiều khổ chủ hiện nay:
“Đề nghị Bộ Công an dự thảo lại nghị định trình Chính phủ về việc sang tên, đổi chủ xe, trong đó miễn thuế và chỉ thu lệ phí các thủ tục hành chính thôi. Vì khi mua xe lần đầu chủ xe đã phải đóng thuế 300% so với nhà sản xuất. Vậy sau khi sang tên, đổi chủ từ lần thứ hai trở đi Nhà nước lại thu thuế nữa là thuế sẽ chồng thuế. Đặc thù của đất nước ta phải chịu hai cuộc kháng chiến trường kỳ với bao khó khăn, gian khổ nên người dân thật sự vẫn còn nghèo khó. Ai cũng vậy, khi có tiền đều muốn mua xe ôtô mới, chính chủ vừa đẹp, vừa an toàn. Nhưng vì điều kiện tài chính còn eo hẹp, thuế nhà nước đánh cao nên nhiều người đành chấp nhận phải mua xe cũ và không có đủ điều kiện để sang tên đổi chủ. Nếu Nhà nước miễu thuế từ lần hai trở đi và thủ tục đơn giản, nhanh gọn, chúng tôi tin là người dân sẽ đồng tình và chấp hành nghiêm pháp luật”.
Phạm Thanh Sang sang.thuykhue@gmail.com tiếp tục đề xuất cần xem xét lại thời điểm cho hợp tình, hợp lý để nếu các ngành chức năng vẫn quyết thực thi cho bằng được Nghị định 71, thì ít ra cũng có được tính khả thi:
Chuyện lẽ ra đơn giản
Công bằng mà nói, để dẫn tới tình trạng thiếu ý thức tuân thủ các quy định pháp luật nói riêng trong lĩnh vực giao thông như hiện nay ở VN, lỗi chính là từ cách thức quản lý và thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, ban ngành chức năng Nhà nước. Chính vì sự không nghiêm, không gương mẫu thực thi và thừa hành nhiệm vụ của những người được giao và thừa hành chức trách, mà nhiều người dân ta dần quen với cách nghĩ, cách tư duy cho rằng ở VN gần như cái gì cũng có thể mặc cả, có thể chạy chọt, có thể chen ngang… để "lợi cả đôi đường" (thực ra là lợi bất cập hại).
Tuy nhiên xu hướng đi lên của xã hội văn minh chắc chắn sẽ đào thải những gì chỉ tạo rào cản cho tiến trình phát triển. Bởi thế, ai cũng mong mỏi cuộc sống của chúng ta ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn lên. Nhưng vấn đề là ở chỗ như Nam Tran trannhatnam26@yahoo.com.vn phân tích:
“Thực ra người dân VN đều rất muốn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước. Nhưng do nhiều chính sách không phù hợp, chỉ làm khổ dân thêm, nên dân mới phản ứng. Nếu mức thuế và phí phù hợp, cộng với thủ tục sang tên đơn giản thì tôi khẳng định chắc chắn có đến 99% người dân (trong đó có tôi) sẵn sàng sang tên xe chính chủ để khẳng định quyền sở hữu hợp pháp của mình. Vậy nên mong Bộ Công an đề nghị với Bộ Tài chính quy định mức phí trước bạ sang tên tối đa là 1% cho phù hợp với thực tế và tình hình khó khăn hiện nay của dân. Đồng thời đơn giản hóa tới mức cao nhất khâu thủ tục, để tạo điều kiện cho dân thực hiện các quy định một cách dễ dàng nhất”.
Nick Cử tri Quảng Nam cuonglfc@gmail.com vẫn không nén được nỗi lòng ngổn ngang trăm mối trước cái gọi là Nghị định 71:
“Rồi, thế là một sáng kiến ý tưởng nữa của các bác ấy có lẽ sắp… đắp chiếu ngủ đông. Rất tiếc năm nay hình như không có mùa đông. Ai là người ký quyết định này cần phải xem lại. Chúng ta làm việc dân chủ,văn minh thì ít nhất các bác phải lấy dân làm gốc, phải lấy ý kiến của dân nếu quá bán thì mới thực hiện. Đằng này khi làm quản lý các bác có nghĩ đến dân không? Khoan nói đến công bằng xã hội ở đây, các bác thử nghĩ xem, tôi nghèo tôi không có tiền để mua ôtô, nhưng tôi cũng có quyền được lái ôtô chứ. Mà tôi không thể mua được thì tất nhiên là tôi phải đi mượn, mà tôi đi mượn là xe đó không phải của tôi, mà không phải của tôi là xe không chính chủ. Nếu cái giấy cho mượn xe cũng được đi, nhưng giấy phải có công chứng của cơ quan chức năng. Mà đâu phải lúc nào cũng mượn 1 xe để mà làm công chứng…. Có rất nhiều câu hỏi đặt ra như thế, tại sao các vị có chức trách không nghĩ đến nhỉ? Hay là các vị nghĩ mình có chức, có quyền thì thích làm gì là làm? Tôi là một người dân thấp cố bé họng, không có tiếng nói, nhưng tôi là một cử tri, là người bầu các vị vào các vị trí đó. Thế mà các vị đang bị dân coi là… lạm dụng chức quyền, thế thì có xứng đáng làm ở các vị trí được dân tín nhiệm ấy hay không?”
Nước ta nghèo mà mọi thủ tục đều rất phức tạp, tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực và tiền của của dân. Trong khi từ cách nhìn nhận thực tế của người dân thì rõ ràng không thiếu biện pháp đơn giản hóa rất hữu hiệu, đâu cần bộ máy cồng kềnh. Nhất là rất không nên luôn lấy PHẠT làm mục tiêu đầu tiên:
“Đề nghị thủ tục đơn giản như bán bảo hiểm xe máy ấy. Cây xăng hay quán nước cũng bán được bảo hiểm xe máy thì làm được thủ tục bán xe máy. Sau đó cầm lên công an để sang tên và thay biển (nếu cần). Nếu được như vậy thì ai cũng chấp hành, mà nhà nước tận thu được thuế. Tôi thấy ở nước ngoài việc thu thuế được làm triệt để, ở VN vẫn còn nhiều bất cập trong lĩnh vực này lắm…” - Phạm Quý Hiên: quyhienxd201@gmail.com
“Cán bộ ta cần học tập các nước trên thế giới. VD như ở Mỹ chẳng hạn, khi đi đăng ký họ ghi tên và địa chỉ người mua xe ngay trên biển số xe. Nếu xe nào vi phạm luật giao thông sẽ bị gửi giấy về nhà theo địa chỉ ghi trên biển số xe, rồi người đăng ký xe đó phải đi nộp phạt chứ người đi xe không chính chủ không bị nộp phạt. Như vậy tự người dân ý thức được và không dám cho người khác mượn xe. Tôi thấy quy định luật như thế mới là sáng suốt” - Hoang Anh: xinh799@yahoo.com.vn
“Có lẽ không nên để người dân lo lắng quá về việc đi xe không chính chủ khi gặp CSGT mà gây tai nạn đáng tiếc. Nên cho tạm dừng ngay việc phạt và giảm lệ phí xuống độ min cuối cùng, kèm theo thủ tục thật đơn giản để dân làm thủ tục sang tên (vì ai cũng thích đi xe chính chủ cả, chì vì không có tiền phải mua xe cũ và lệ phí cao quá nên không sang tên thôi). Sau đó mới thực hiện việc phạt và phạt…” – Dinh Hung: ktsngdhung@gmail.com
“Nhiều ý tưởng hay, mình cũng góp thêm một ý chủ quan thấy cũng tạm ổn. Đó là giảm một phần phí, cải cách thủ tục cho nhanh, gọn hơn một chút. Cho toàn dân thời hạn 1 năm để khai báo làm thủ tục tất cả các trường hợp. Sau hạn mọi người đều là chủ xe của mình đi rồi, ai chưa làm người đó phải chịu trách nhiệm không bàn cãi nữa.
Tiếp tục triển khai theo hướng: Nếu ai bị mất xe yêu cầu trình báo sau 3 -5 ngày, ai bán xe thì 7-15 ngày. Trong thời gian đó thì có thể xem xét tùy tình huống xảy ra để xử phạt, giải quyết vấn đề. Ngoài thời gian trên, mọi chủ xe đều phải chịu trách nhiệm khi xe mình vi phạm luật giao thông hay gây tai nạn. Cùng với đó là phổ biến rõ ràng cho dân chúng biết về Nghị định 71 này.
Theo tôi, như thế là dẹp yên hết. Ai cho mượn xe cứ cho mượn, ai mượn cứ mượn, ai thuê cứ thuê... Với sự ràng buộc như trên người cho mượn dĩ nhiên phải chọn mặt mà gửi vàng, nếu không biết chọn ráng chịu. Nếu là người thân thiết thì dĩ nhiên khi có chuyện chẳng ai để chủ xe chịu hết. Còn xe bị trộm, nếu sau 3 -5 ngày mà chủ xe chưa báo thì cũng coi nhà là… đồng tình rồi. Trong trường hợp này còn khả năng khác là đi công tác xa vô tình bị cạy cửa chưa nắm được thông tin. Khi đó chắc chắn sẽ có công an phường, hay khu vực có thể đứng ra làm chứng giải quyết vấn đề.
Với phương pháp trên, tôi thấy cũng giải quyết được mục tiêu của nghị định 71 là tiến tới phạt nguội trong giao thông. Mặc dù phương pháp này vẫn không thể nào dẹp 100% yên bình, nhưng theo tôi nó giải quyết được tới trên 99 % vấn đề”- Lê Hùng: sitien_votinh08@yahoo.com