Chuyện đùa như thật

Báo động đỏ: chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ

(Dân trí) - Quan to tham nhũng quan nhỏ cũng tham nhũng, tham nhũng lớn tiền tỷ, khi có cơ hội đến cả tham nhũng vặt cũng chẳng từ, tham nhũng tiền của Nhà nước mà còn xà xẻo, ăn chặn, ăn bớt tiền của cả dân

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bạn tôi hỏi:

- Này ông, đã biết chuyện vừa bị lộ cán bộ xã ăn chặn của người nghèo chưa? Năm 2010, huyện Đức Thọ đã chuyển tiền cho xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh có 8 hộ dân bao gồm các gia đình nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ làm nhà ở do thiệt hại sau lũ lụt để kịp thời hỗ trợ cho người dân sớm có kinh phí xây nhà.Tuy nhiên, nhiều hộ dân đến 3 năm sau mới biết mình thuộc diện được hỗ trợ.Và đến nay đã 4 năm, 8 hộ dân này chỉ mới được nhận được số tiền là 102 triệu trong tổng số tiền là hơn 220 triệu. , ông Đinh Quang Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Đức Lâm phân bua, sở dĩ xã Đức Lâm chỉ trả cho mỗi đối tượng 10 triệu là để... ổn định tình hình. Trớ trêu là điều mà vị bí thư xã nói là "đã giải quyết ổn thỏa, trả lại cho huyện để tạo sự công bằng", mà sao đã 4 năm trôi qua vẫn không được báo cáo lên UBND huyện Đức Thọ.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao lại có chuyện nhẫn tâm có một không hai như vậy nhỉ?

- Ôi trời, ông bảo đây là chuyện có một không hai, có nghĩa là chuyện hiếm, chưa đâu có chứ gì? Ông ơi, nhầm rồi! những chuyện như thế này đầy. Như chuyện ăn chặn của người về hưu mới lộ. Đó là chuyện ông Cao Hồng Định ngụ tại phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa, trước đây công tác tại đơn vị thuộc Quân khu 7, được giải quyết nghỉ chế độ từ năm 1988. Đến giữa năm 1988, ông nhận được văn bản dừng chi trả lương của Quân khu 7 để điều tra một vụ việc khác có liên quan đến ông. Kết thúc điều tra, ông Định đến các cơ quan chức năng để tìm hiểu về chế độ của mình, thì được ông Nguyễn Mạnh Sửu (lúc đó là cán bộ trực tiếp chi trả lương hưu) thông báo là chưa giải quyết xong chế độ chính sách cho ông. Tuy nhiên, vào tháng 7/2013, ông Định bất ngờ nhận được giấy báo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai mời đến nhận lương, lúc này ông Định mới biết 25 năm qua, tiền lương của mình vẫn được Nhà nước chi trả đều đặn mà ông Nguyễn Mạnh Sửu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Bình đã ăn chặn lương hưu của ông Định.

- Lại đến thế cơ à?

- Còn hơn thế nữa cơ, đó là họ còn cạn nghĩa cạn tình, dám ăn chặn  cả tiền của người có công với cách mạng. Chuyện xẩy ra ở thôn Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Cuối năm 2012, tại đây cụ bà Lê Thị Hợp, 84 tuổi là một người có công với cách mạng từ trần, con cụ lên xã làm thủ tục để nhận chế độ mai táng phí theo quy định của nhà nước thì tá hóa khi nghe cán bộ chính sách của xã Kỳ Tiến thông tin, trường hợp cụ Hợp đã có hồ sơ khai báo mất từ năm 2005, không thể làm lại chế độ được nữa. Hóa ra ông Nguyễn T.Q (đã thôi phụ trách mảng chính sách, hiện làm công an xã) là người trực tiếp làm hồ sơ “khai tử” cụ Hợp trước đó 7 năm để lấy tiền tuất 10 triệu đồng của cụ.

Tôi choáng:

- Chết thật, hóa ra bây giờ không chỉ cán bộ chức to tham nhũng mà cả cán bộ cấp nhỏ cũng tham nhũng, có những cán bộ không chỉ tham nhũng lớn tiền tỷ mà khi có cơ hội đến cả tham nhũng vặt cũng chẳng từ, không chỉ tham nhũng tiền của Nhà nước mà còn dùng mọi mánh khóe để xà xẻo, ăn chặn, ăn bớt tiền của cả dân, cán bộ đã nghỉ hưu và cả của những người có công với cách mạng nữa. Đúng như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã khái quát: “Người ta “ăn” của dân không từ cái gì nữa”. Nếu những chuyện như thế này diễn ra ở rộng khắp các cấp xã, phường, và những cán bộ ở đó hành xử bất chấp đạo lý như vậy thì chuyện tưởng nhỏ mà không hề nhỏ đâu. Sự suy thoái đạo đức đã đến cấp độ báo động đỏ rồi đấy, hu hu…

Nguyễn Đoàn