Bạn đọc viết
Báo chí nhân dân & Tâm trí quốc gia
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”- điều hiển nhiên đã được mọi người chấp nhận. Điều không kém hiển nhiên “Báo chí là tâm trí quốc gia”. Nguyên khí thịnh thì thế nước vượng, tâm trí mạnh thì đất nước đi lên, phát triển bền vững. Báo chí là nhịp thở, là tâm tư tình cảm, là suy tư của một quốc gia. Chỉ cần lướt qua dăm tờ báo lớn của một quốc gia chúng ta dễ dàng nhận biết được tâm trí của quốc gia đó, trạng thái cảm xúc, định hướng tương lai… “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt" - Matin Luther King.
Chưa bao giờ câu “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” lại mang tính xác thực cao như trong thời đại số. Đặc biệt, đối với báo chí thì điều này càng rõ rệt. Mỗi người dân là một tòa báo. Với chiếc smartphone trên tay mỗi người dân đều là một đài truyền hình di động. Cái mạnh hơn của “báo chí nhân dân” là tính thời sự - tức thời, ngay & luôn, nhanh hơn bất kỳ một tòa báo nào. Tất nhiên là chất lượng nghệ thuật chưa thật cao vì không được biên tập kỹ lưỡng.
Tốc độ internet càng tăng, tính năng của smartphone càng mạnh thì vai trò “báo chí nhân dân” càng có ảnh hưởng lớn đến tâm trí quốc gia. “Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” đang được hiện thực hóa càng ngày càng nhanh, sâu, xa. Mỗi người dân trên mọi miền của đất nước và trên toàn cầu đều có thể phản ánh thực trạng xã hội, nói lên mong muốn của mình góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Chỉ cần vài click hay một cái vuốt tay nhẹ là toàn bộ thông tin đã được chia sẻ nhân rộng ra khắp hành tinh.
Chúng ta đã gia nhập WTO và sắp tới là TPP, AEC. Đổi mới hay là thua trên sân nhà. Không chỉ đổi mới về kinh tế mà phải bắt đầu từ tâm trí – báo chí định hướng chỉ đường.
Dễ nghìn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Chúng ta đã chiến thắng các đế quốc to bằng chiến tranh nhân dân. Rõ ràng trên mặt trận văn hóa tư tưởng cũng không thể làm khác. Báo chí cách mạng và “báo chí nhân dân” hòa đồng tạo đồng thuận xã hội vì sự sinh tồn và phát triển bền vững của tổ quốc Việt nam.
Hàn Quốc bắt đầu kinh tế bằng văn hóa tuyên truyền, bằng phim ảnh... Một lý do chúng ta hội nhập chậm chính là tâm trí – Báo chí chưa thật thông suốt, nhiều khi còn định hướng quá kín kẽ chặt chẽ. Hãy lấy giáo dục trẻ con làm ví dụ. Nếu mẹ sợ con hư, cứ kín cửa cao tường kiểu gà công nghiệp thì đến khi hội nhập vào xã hội con cũng ngơ ngáo như một chú gà công nghiệp, không hư nhưng rất có thể hỏng hẳn.
Trang web công ty, diễn đàn của các câu lạc bộ cũng là một loại hình “báo chí nhân dân” đáng được chú ý khích lệ. Chưa bao giờ dân trí được tiến bộ như bây giờ. Đặc biệt với giới trẻ, từ xưa đến nay chỉ biết học thuộc lòng, bây giờ đã lập luận, tranh luận, phản biện, hùng biện. Thế giới càng kết nối chặt hơn thì tính cá nhân càng phải cao hơn để không bị nhấn chìm, hòa tan. Phải đưa “báo chí nhân dân” vào trường học một cách có định hướng thì mới đảm bảo hội nhập mà không bị hòa tan, lấn át. Giáo dục thế giới đang dịch chuyển con người thành công dân toàn cầu – E-citizen. Thanh niên bây giờ không đọc báo chí mà chỉ lướt web. Thanh niên không đến với báo chí thì báo chí cách mạng phải hòa đồng với “báo chí nhân dân”, phải tạo những trang web, blog hợp với lứa tuổi thanh niên định hướng để giới trẻ được tự do thể hiện khát vọng làm giàu.
Càng chống càng lan rộng:
Bây giờ, nói rất thật, lâu lắm rồi tôi không đọc báo giấy. Tôi cũng chả thích xem thời sự trên TV nữa. Chương trình thời sự của đài và báo rất quan trọng với tâm trí và tình cảm của người dân. Nhất là thời sự buổi sang và buổi tối trước khi đi ngủ. “Vạn sự khởi đầu nan”. “Điều cuối cùng sẽ sống cùng”. Nếu bắt đầu một ngày mới bằng cướp-giết-hiếp và tai nạn giao thông và trước khi đi ngủ lại hiếp-giết-cướp liệu tâm trí của người dan sẽ thế nào. Tôi còn nhớ như in có lần đang ăn phở sáng ngoài quán thì TV chiếu cảnh tai nạn giao thông, chết người… phở có ngon mấy cũng không ai nuốt nổi. Cũng ngày hôm ấy trước khi đi ngủ tôi xem TV thì lại tin cướp của giết người, và tất nhiên là một đêm mộng mị, bóng đè. Bây giờ muốn nổi tiếng bạn phải phạm pháp. Báo chí đăng rất nhiều kỳ về các vụ án, còn người tốt chỉ được đưa loáng thoáng.
“Cố quên càng nhớ thêm”. “Ghét của nào trời trao của nấy”. “Càng cấm càng cứ”. Đấy là nguyên lý hoạt động của não. Não tư duy bằng hình ảnh. Não không có chữ không. Khi ta nói cấm hút thuốc thì não chỉ thấy điếu thuốc. Khi ta nói cấm uống rượu thì não thấy chai rược. Càng cấm nhiều thì càng hằn sâu vào não, càng nổi trội trong tiềm thức. Tiềm thức luôn thực thi. Tiềm thức mạnh gấp nghìn lần ý thức. Càng cấm càng lan rộng.
Trồng hoa thơm là chống cỏ dại hiệu quả nhất:
Đầu những năm 70 khi cầm bất cứ một tờ báo nào lên, cái nổi bật đập vào mắt đầu tiên bao giờ cũng là tin chiến thắng, gương anh hùng, chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang, rồi gương người tốt việc tốt. Rồi cả xóm tụ tập bên nhau nghe tiết mục “kể chuyện đêm khuya”. Ai ai cũng háo hức với đài báo. Được một tờ báo là đọc ngốn ngấu…
Hãy quay lại với báo chí thời đại Hồ Chí Minh – báo chí chuyên về “tin chiến thắng”, “người tốt, việc tốt”.
Nếu ta chỉ nhổ cỏ mà không trồng hoa thì đất càng hoang sơ. Cách duy nhất để át cỏ dại là trồng hoa, trồng lúa… Chỉ có cái đẹp mới đè bẹp cái xấu.Nếu suốt ngày chúng ta cứ “xóa đói giảm nghèo” chắc chắn dân tộc ta không bao giờ thoát nghèo. Phải dấy lên Văn hóa khởi nghiệp làm giàu mới xóa đói giảm nghèo một cách triệt để. Israel đã dùng “Quốc gia khởi nghiệp” để biến sa mạc thành một cường quốc.
Ngày xưa chúng ta đã dùng “tiếng hát át tiếng bom” bây giờ cần lắm “tiếng hát át khủng hoảng” và hơn thế nữa là “tiếng hát văn hóa khởi nghiệp làm giàu”.
Ts Phan Quốc Việt
(Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt nam)