Ý kiến luật sư
Bàn thêm về “Quyền im lặng”
(Dân trí) - Hàng loạt các vụ án oan sai xảy ra trong thời gian vừa qua do quá trình tố tụng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể, danh dự, sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người. Điều này đặt ra vấn đề cần thiết phải tiến hành cải cách triệt để tố tụng hình sự. Một trong những giải pháp đó chính là việc thực thi “Quyền im lặng” trong hoạt động điều tra.
Lý do để chúng ta luật hóa “Quyền im lặng” là do hiện nay, quy định của pháp luật về quyền này có chỗ “vênh nhau”. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), bị can có các quyền: Được biết mình bị khởi tố về tội gì; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; …tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Xét trên điều luật này, bị can có thể chờ luật sư của mình có mặt, rồi mới trả lời các câu hỏi của CQĐT. Tuy nhiên, nguyên tắc trong TTHS, việc chứng minh một người có tội hay không có tội, nghĩa vụ chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó “việc hỏi cung bị can phải do điều tra viên (ĐTV) tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can”. (Điều 131, Bộ luật TTHS). Vì lẽ này, “quyền im lặng” ở ta chưa thực hiện được.
Để bảo đảm sự khách quan, chính xác, tôn trọng quyền con người, chúng ta cần sớm luật hóa “Quyền im lặng” của bị can trong TTHS. Theo đó, trước khi thẩm vấn, ĐTV phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau: "Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư" theo tinh thần của lời cảnh báo Miranda đã được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới.
Tưởng rằng tinh thần đó đã được thông suốt, nhưng trong kì họp Quốc hội lần này còn có những quan điểm của đại biểu cho rằng: “Nếu chỉ vì số ít trường hợp bị oan mà chiều chuộng tội phạm là không phù hợp. Chúng ta quy định như là “quyền im lặng” của người phạm tội là không đúng, giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”, thậm chí, có đại biểu còn hung hồn cho rằng “Thực thi Quyền im lặng là chống lại nhân dân”. Chúng ta cần phải thống nhất rằng “Quyền im lặng” là một trong những giải pháp hàng đầu để phòng tránh oan sai, vốn được toàn Đảng, toàn dân quan tâm trong những năm qua, khi chúng ta đã thừa nhận đây là giải pháp tối ưu và hàng đầu để đấu tranh phóng tránh oan sai, vậy còn lý do gì để chúng ta tranh cãi. Hơn nữa, “Quyền im lặng” cũng đã được các chuyên gia pháp lý thừa nhận là một phần của quyền con người, đã là quyền con người thì đương nhiên phải được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Ở một góc nhìn mở, chúng ta đã thấy “Quyền im lặng” được nhân loại thừa nhận và tôn trọng trong một thời gian khá dài, liệu chúng ta có cần mất nhiều thời gian để bàn cãi về tính hợp lý của quyền này?. Tôi còn nhớ cách đây hơn chục năm, khi nhà nước có chủ trương bắt buộc người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, khi đó người ta tìm đủ mọi lý do để phản đối, nào là tăng chi phí xã hội hàng ngàn tỷ, nào là các cơ quan công sở lấy đâu ra chỗ để mũ…nhưng khi Uỷ ban ATGTQG gia truyền đi thông điệp “Tất cả chỉ là ngụy biện, hãy đội mũ bảo hiểm” sau đó hiệu quả thế nào thì chúng ta đã rõ.
Nếu cho rằng sự tham gia của Luật sư sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án thì có lẽ nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế “Quyền im lặng” để chờ Luật sư . Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, các nước không những không hạn chế quyền này mà còn mở rộng hơn nữa quyền của Luật sư. Điều đó cho thấy, sự tham gia của Luật sư góp phần không nhỏ vào việc phát hiện, ngăn chặn những sai phạm trong quá trình tố tụng. Do đó, chúng ta cần luật hóa “Quyền im lặng” ngay tại kỳ họp này.
Thiết nghĩ, việc luật hóa “Quyền im lặng” trong hoạt động TTHS cũng chính là việc thực hiện phương hướng: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người.”, vốn được nêu ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Do đó, Để chống oan sai thì cần có sự cải cách toàn diện, không chỉ trên phương diện pháp luật mà còn trong cả tư tưởng, quan điểm của người tiến hành tố tụng cũng như bị can, bị cáo và nhất là những nhà làm luật.
Luật sư Trương Anh Tú
(Đoàn Luật sư Hà Nội)