Bạn đọc viết

Bàn thêm về bảo tồn tích di sản cho hôm nay và mai sau

Di tích, di sản là tài sản vô giá của đất nước, là “bức thông điệp” của cha ông gửi lại cho thế hệ mai sau để nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản phải được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ không phải là của riêng ai

Ảnh: Đình làng Phúc Mãn - Xuân Hương - Lạng Giang (Bắc Giang) được tôn tạo lại và khánh thành năm 2012, trở thành cố kết cộng đồng, là nơi mọi người dân trong làng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong việc thờ tế Thành hoàng cũng như mọi sinh hoạt văn hóa khác.
Ảnh: Đình làng Phúc Mãn - Xuân Hương - Lạng Giang (Bắc Giang) được tôn tạo lại và khánh thành năm 2012, trở thành cố kết cộng đồng, là nơi mọi người dân trong làng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong việc thờ tế Thành hoàng cũng như mọi sinh hoạt văn hóa khác.

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo dựng và để lại những di tích, di sản vô cùng quý giá, đó là tài sản vô giá của dân tộc và là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển đất nước. Kể từ khi có Luật Di sản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy di tích, di sản văn hóa được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện, đặt nó đúng vị trí. Những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa không chỉ góp phần gìn giữ kho tàng quý báu của dân tộc mà còn có tác dụng thúc đẩy việc phát triển kinh tế của đất nước. Tư tưởng về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đã đi sâu vào quần chúng, được quần chúng ủng hộ, tham gia rộng rãi vào việc quản lý, tôn tạo và phát triển.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu nổi bật, chúng ta thấy còn có những hạn chế và yếu kém trong công tác này. Nhiều di tích vẫn đang bị tiếp tục bị xâm phạm, lấn chiếm, đánh cắp làm hư hại, thất thoát khá nặng nề. Nhiều di sản quý đến nay không còn khả năng khôi phục.. Hiện tượng “chảy máu” đồ cổ ở một số nơi vẫn chưa ngăn chặn được… Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vấn nạn trộm cắp cổ vật diễn ra ở hầu khắp các di tích trên cả nước, với mật độ ngày càng tăng và số lượng cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Điển hình như vụ trộm tại chùa Tây Phương (Hà Nội) bị mất tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay; chùa Ngô Xá (Nam Định) mất đầu tượng Phật gần nghìn năm tuổi; đình Thới Luông (Cần Thơ) mất tám bộ lư đồng niên đại hàng thế kỷ; đình làng Thanh Trì (Hà Nội) mất đôi hạc đồng và một chiếc chóe; đình thờ Đinh triều Quốc mẫu (Thái Bình) mất một bức đại tự, nhiều hoành phi; đình, chùa Phù Lưu Hạ (Hà Nội) mất một chuông và nhiều đồ thờ tự bằng đồng; đình Yên Việt (Bắc Ninh) mất 11 đạo sắc phong, nhiều đồ cổ có niên đại hơn 300 năm; đền Bồng Châu (Hưng Yên) mất tổng cộng 69 đạo sắc phong; chùa Nễ Châu (Hưng Yên) mất hàng chục pho tượng và đồ thờ; chùa Thi Ông và Niệm Phật Đường thôn Kim Long (Quảng Trị) mất một tượng phật A di đà và một tượng Quan Công bằng đồng nặng 80 kg; chùa Nền (Hà Nội) mất 10 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 13; ngay như một di tích cấp quốc gia đặc biệt như quần thể Lăng Tự Đức (Thừa Thiên - Huế) cũng không phải ngoại lệ, năm 2013, kẻ gian đã lấy một lúc sáu cổ vật rất có giá trị…Đó mới chỉ là thống kê những vụ việc trộm cắp cổ vật tại các di tích lớn, đã được xếp hạng cấp tỉnh trở lên. Cả nước còn hơn 33 nghìn di tích nhỏ chưa được xếp hạng, nhiều bảo tàng, nhà trưng bày, sưu tập thuộc nhà nước và tư nhân quản lý chưa có thống kê về vấn nạn này.

Ngoài ra một điều rất đang quan tâm nữa là do chưa nhận thức đúng đắn về nguyên tắc khoa học bảo tồn di tích, nên một số nơi, trong khi tiến hành bảo tồn, trùng tu đã không cẩn thận, thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực chuyên môn làm biến dạng, mất đi giá trị di tích …Còn nhớ cách đây không lâu việc Tháp Bình Thạch (tỉnh Tây Ninh) sau trùng tu được “trẻ hóa” hơn 10 thế kỷ và chuyển hóa nhầm từ ngôi đền Kmer thành một di tích phật giáo. Hay việc trùng tu di tích ở Lam Kinh (Thanh Hóa) tùy tiện đã tạo ra cơn “địa chấn” một thời làm xôn xao dư luận. Rồi như Chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) xây dựng từ đời vua Lý Cao Tông (1185) nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và có bề dày lịch sử đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ những năm 60 của thế kỷ trước, nay bỗng nhiên bị “bức tử” nhiều hạng mục, xâm hại nghiêm trọng đến di tích, khiến dư luận trong cả nước vô cùng bức xúc về sự thiếu hiểu biết về Luật Di sản cũng như sự thiếu hiểu biết về giá trị của một công trình đặc biệt quý giá này đang thực sự là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản.

Chúng ta đều biết di tích, di sản văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là tài sản vô giá của đất nước và là “bức thông điệp” của thế hệ cha ông gửi lại cho thế hệ mai sau để nuôi dưỡng, lưu truyền cốt cách truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế điều quan trọng lúc này là phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trước hết cần hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm di sản văn hóa. Bên cạnh đó cần xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; tiến hành rà soát, kiện toàn, bảo quản bằng công nghệ hiện đại, phục vụ tốt công tác bảo tồn và tra cứu di sản văn hóa; xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác khai quật khảo cổ, tôn tạo; xác định giá trị cổ vật và có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và quảng bá, nhất là việc giữ gìn các hiện vật cách mạng, di tích kháng chiến. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch.

Một điều không thể không nhắc đến là đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình, trường học để có thêm những nhận thức sâu sắc về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. .. Chỉ có như vậy mới bảo tồn và phát huy được những giá trị di tích, di sản cho hôm nay và mai sau.

Minh Tư