Bạn đọc bình luận về góc độ pháp lý vụ "chai nước có ruồi"
(Dân trí) - Tôi thấy vụ này đôi bên thuận mua vừa bán chứ có gì đâu, chỉ thương cho ông Minh - một người dân, không lường được cái bẫy của Tân Hiệp Phát nên mới dẫn đến sự việc nhỏ hóa thành chuyện lớn. Đề nghị cơ quan pháp luật xem xét thấu đáo để ông Minh sớm được về với gia đình
Phiên tòa tại Tiền Giang xử vụ "chai nước có ruồi", giữa hãng nước ngọt Tân Hiệp Phát và ông Võ Văn Minh,- người tiêu dùng, đã được dư luận quan tâm theo dõi, nhiều bạn đọc đã bình luận về góc độ pháp lý vụ án này.
Bạn đọc Võ Tá Luân vo12luan@yahoo.com không cho là ông Võ Văn Minh có tội cưỡng đoạt tài sản: “Trên thực tế, sự việc này hoàn toàn không thể khép vào tội danh "cưỡng đoạt" để đem ra xét xử. Vì nếu khép vào tội danh cưỡng đoạt thì khác nào đồng nghĩa với việc Tân Hiệp Phát thừa nhận chai nước của mình có 'vấn đề' và anh Minh đã dùng nó như một thứ vũ khí để đe dọa hòng chiếm đoạt tiền. Vì đơn giản là để trở thành người cưỡng đoạt thì kẻ cưỡng đoạt phải có vũ khí gì đó để uy hiếp đối tượng. Như vậy, nếu chai nước có ruồi là vũ khí đối với Tân Hiệp Phát thì rõ ràng chai nước đó có vấn đề. Ngược lại, nếu Tân Hiệp Phát tự tin vào dây chuyền khép kín bất khả xâm phạm của mình (như màn “trình diễn” trước hội đồng thanh tra) thì họ không thể để chai nước có ruồi trở thành vũ khí để uy hiếp họ, khiến họ phải nhiều lần cử nhân viên đến thương lượng, mà khi đó anh Minh và chai nước “có ruồi” chỉ là một trò hề vụng về. Lập luận của giám đốc Tân Hiệp Phát về việc phải cử nhân viên nhiều lần đến thương lượng với Tân Hiệp Phát vì sợ ảnh hưởng đến đời sống công nhân, rồi lại nói thu hồi chai nước về để cám ơn khách hàng trong lúc thừa nhận chưa biết đó có phải là sản phẩm của công ty mình không. Có gì đó nghe không ổn. Nếu Tân Hiệp Phát đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất sẽ không thể nào có vật lạ lọt vào trong chai nước ngọt như báo chí nêu thì khi bị đe dọa hay vu khống chai nước có ruồi thì lẽ ra Tân Hiệp Phát sẽ không bao giờ đồng ý chi trả tiền, đồng thời sẽ báo công an xử lý tội vu khống của người đe dọa. Nhưng ở đây Tân Hiệp Phát lại thương lượng và thỏa thuận chi tiền rồi báo Công an đến bắt anh Minh. Trong trường hợp này Tân Hiệp Phát không phải hoàn toàn là người bị hại hay bị đe dọa mà có tính chất gài bẫy người có bằng chứng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất và có động cơ trả thù. Thiết nghĩ tại sao Tòa án lại không xét rõ động cơ của Tân Hiệp Phát. Tự dưng anh Minh bị đổ tội là ảnh hưởng đến thương hiệu nè. Tân Hiệp Phát thật là chơi bẩn. Tự thỏa thuận với người ta, gài độ người ta nhận 500 triệu đồng, sau đó đưa người ta vào từ 12-13 năm. Luật sư Thi nói quá đúng khi hỏi: Là do báo chí phản ánh đúng không? Tôi chia sẻ điều ấy với chị. Nhưng nếu vì vậy mà đổ tội cho Võ Văn Minh gây thiệt hại, làm mất quyền tự do, quyền lợi ích hợp pháp của Minh và gia đình thì vô lý quá. Vậy thiệt hại này theo chị là do sự uy hiếp của Võ Văn Minh hay do Võ Văn Minh gây ra? Thiệt hại từ yêu cầu đòi hỏi 500 triệu của anh Minh hay thiệt hại đến thời điểm này là do sự việc dẫn đến ảnh hưởng uy tín thương hiệu công ty.”
Cũng đồng quan điểm như vậy, bạn đọc Đinh Văn Yên viết: “Ông Minh không hề phạm tội cưỡng đoạt tài sản. 1 tỷ hay 500 triệu đều có thỏa thuận ( dù thỏa thuận bằng lời ) mới mang tiền đến trao đổi. Tân Hiệp Phát đã lừa khách hàng sản xuất nước giải khát bẩn bán ra thị trường. Tân Hiệp Phát đã có chuẩn bị trước để lừa anh Minh vào tròng của pháp luật. Nếu xét về hành vi phạm tội thì GĐ Tân Hiệp Phát mới phạm tội HỐI LỘ, chỉ đạo thuộc cấp dùng tiền HỐI LỘ anh Minh vì anh Minh biết được sản phẩm do Tân Hiệp Phát phạm tội mà có là sản xuất nước giải khát bẩn đầu độc người tiêu dùng nhằm che dấu tội lỗi. Theo báo chí thì đây là lần thứ 3 Tân Hiệp Phát phạm tội này. Vấn đề hiện nay đang được quan tâm là MÔI TRƯỜNG và VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM. Mong Tòa án xem xét vấn đề này cho thấu đáo, đúng tình, đạt lý. Anh Minh có thể phải nhận một hình thức phạt do lòng tham lam, nhưng Tân Hiệp Phát liệu có lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng? Tân Hiệp Phát đã vi phạm đạo đức kinh doanh, coi thường sức khỏe và tính mạng đồng”
Và bạn đọc Minh Tran viết:
“ Chẳng hiểu người ta lý giải luật pháp ra sau: "cưỡng đoạt" là từ chỉ dùng để nói về một bên mạnh hơn, dùng sức mạnh đó để ép buộc bên còn lại phải hành động theo ý mình và hành động này phải được thực thi rồi. Đằng này người dân là gì có sức mạnh, nếu toà án công nhận bị cáo có tội, nghĩa là công nhận bị cáo phải có sức mạnh mà nếu sức mạnh đó đến từ chai nước ngọt, nghĩa là toà phải công nhận chai nước đó (có dị vật) thật sự phải là của Tân Hiệp Phát. Bởi vì nếu nó không phải của Tân Hiệp Phát thì mắc gì Tân Hiệp Phát phải sợ mà trả tiền cho bị cáo. Nếu đó là dân thường thì còn có thể biện minh bằng việc họ bị thiếu kiến thức, vẫn có lòng tham, còn đằng này là một công ty có cả một đội ngũ pháp lý và luật sư đi kèm. Tôi ngĩỉ hãng này chắc chắn phải có vấn đề về chất lượng (không có tại sao phải sợ), nhưng họ có tiền. Để ủng hộ cái đúng tôi đề nghị mọi người nên tẩy chay hãng này đi.”
Còn bạn đọc VuQuocChung vuquochung.ktv@gmail.com phân tích sự thiếu minh bạch của Tân Hiệp Phát:
Cần hiểu đúng khái niệm "Tống tiền" nếu hiểu không đúng thì vụ án sẽ sai hướng. Theo tôi đây là thỏa thuận Tân Hiệp Phát muốn mua lại chai nước của anh Minh với giá 500tr tại sao CA lại bắt người, VKS lại khởi tố. Nếu sản phẩm của Tân Hiệp Phát là sạch thì cứ để anh Minh đưa thông tin, lúc đó Tân Hiệp Phát sẽ kiện anh Minh vì tội danh tương ứng và khi thắng kiện thì Tân Hiệp Phát sẽ được sự tin dùng của mọi người. Nhưng ở đây là sao? mà Tân Hiệp Phát phải bỏ tiền ra mua và dàn xếp để CA bắt người. Công An bắt người trường hợp này có đúng không?
Bạn đọc Cao Tien Luc caotienluc2012@gmail.com và An Nguyên ancokhi33@gmail.com
Đồng tình với bình luận của bạn đọc Vu Quoc Chung. Bạn đọc Cao Tien Luc cho rằng: “Đúng, đây là mua bán chứ không phải tống tiền và đây cũng là bài học cho Tân Hiệp Phát, nếu không có những người như vậy thì không những uống ruồi mà còn uống cả thuốc độc nữa, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đâu, các ông thành lập ra chỉ để có tên thôi sao?” Bạn đọc An Nguyên cũng cho rằng: “Đúng vậy, ở đây thấy có gì đó không rõ ràng. Cái rõ ràng là sản phẩm bậy bạ, mất vệ sinh mà không có lỗi, người phát hiện thì lại bị bắt lỗi với những lý do quy định này, quy định kia, trong khi bản chất sự việc thì bị bỏ qua, là sao?”
Từ sự việc chai nước uống của Tân Hiệp Phát sản xuất có ruồi, bạn đọc Trà Văn Phúc phucvan9351@hotmail.com nhớ lại “truyền thống” sản xuất sản phẩm bẩn của Tân Hiệp Phát : “Nếu Tân Hiệp Phát đúng thì không bao giờ người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Làm ăn phải giữ chữ Tín làm đầu. Tôi còn nhớ cách đây 5 năm cũng tại kho chứa hương liệu của Tân Hiệp Phát chứa hàng tấn hương liệu hết hạn sử dụng bị báo chí phanh phui nhưng rồi mọi chuyện cũng chìm xuồng. Làm ăn gian dối thì vậy, bản thân tôi sau chuyện đó cũng không dùng nước giải khát của Tân Hiệp Phát nữa.” Bạn đọc Huy Mustang cũng nhớ lại: “Ngày trước mình làm ở nhà phân phối nuber one ở Hạ Long, thừa hiểu sản phẩm của Tân Hiệp Phát như thế nào: Quá bẩn, hay gặp nhiều nhất là bị phồng to. Cáu bẩn vẩn đục bên trong. Chỉ hàng lỗi thôi mà chất đầy một kho. Sợ luôn. Hãy tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát.” Thanh Le Duy trunglc.lh@gmail.com đồng tình: “Tôi cũng vậy. Từ khi có những vụ lùm xùm của Tân Hiệp Phát, tự nhiên tôi không còn thích dung sản phẩm cùa Công ty này nữa ! Mất lòng tin ở người tiêu dùng quá nhiều rồi!”
Trong khi phiên tòa còn đang xử, bạn đọc Le Vinh Khang vinhkhang29@gmail.com mong muốn: “Từ lâu tôi đã không dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát rồi, công ty này không coi trọng người tiêu dùng, mong anh Minh trắng án.”
Và bạn đọc Le Van Diep lediep@gmail.com cũng cho rằng: “Tôi thấy vụ này như là một vụ mua đi bán lại, đôi bên thuận mua vừa bán chứ có gì đâu, chỉ thương cho ông Minh - một người dân, không lường được cái bẫy của Tân Hiệp Phát nên mới dẫn đến sự việc nhỏ hóa thành chuyện lớn. Đề nghị cơ quan pháp luật xem xét thấu đáo để ông Minh sớm được về với gia đình”
Nguyễn Đoàn tổng hợp