Bài toán ô tô thời … thu phí
(Dân trí) - Có lẽ ít "chuyên gia thông tấn xã vỉa hè" nào dự báo được tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay với không ít người thuộc giới có ô tô. Nếu giàu thật chắc không ai phải lo lắng. Vấn đề là đa số người “trót” sắm ô tô đâu phải là đã giàu.
Rằng hay thì cũng có hay…
Bởi vậy, dù mới được thảnh thơi hơn chút trong làm ăn, lo toan công việc và cả trong công cuộc giải phóng đôi chân mỗi khi có dịp được đi đó đi đây xa xa, song giờ đây nỗi lo thường trực về chiếc xe hữu ích của mình đã không còn chỉ của riêng ai nữa.
Nhất là trong tình thế hiện nay, khi ôtô có vẻ như đang bị quy tội (mà lẽ ra nếu không muốn để cho người dân mua sắm nhiều như vậy, các ngành chức năng đã phải có biện pháp hạn chế từ lâu rồi mới phải), thì những ý kiến ủng hộ dù có vẻ rất thức thời và hiện đại. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy như đa số người dân, rằng nghe sao vẫn thấy quá đắng lòng bởi vẫn ẩn chứa sự vô tình nào đó, không sát với đời sống và những diễn biến thực tế của tiến trình “cách mạng xe cộ” ở VN ta:
“Ủng hộ Bộ trưởng Thăng. Chú hãy luôn kiên định nhé, cháu luôn ủng hộ các quyết định của Bộ trưởng” - Bonbon: bonbon_9090@yahoo.com
“Mềnh cũng ủng hộ Bộ trưởng Thăng. Quyết tâm của Bộ trưởng là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xanh và sạch, khi pà kon dần trở lại đi xe đạp, bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí xây dựng cầu đường cho nhà nước. :))” - Moc Hai: Mrmochai@gmail.com
“Nước mình nói chung còn nghèo, nhưng tôi thấy vẫn có nhiều người lại có hướng thích oách 1 tí cho bằng bạn bè, nên phải chịu thôi. Cái gì nó đến thì rồi sẽ đến, lo cũng chỉ được phần nào thôi, cơ bản phải nhìn tổng thể...Mong sớm vượt qua khó khăn đó” - Tuan Nguyen: nguyenhuytuantn@gmail.com
“Các nhà giàu ơi, làm ơn đừng kêu khổ nữa! Lẽ nào vì không mua được xế hộp rồi đổ lỗi cho chủ trương? Tất cả cũng chỉ vì muốn dân giàu, nước mạnh thôi, ngài Bộ trưởng Thăng làm vậy cũng là làm cho dân, cho nước, chứ ngài không nghĩ lợi lộc riêng đâu mà các vị phê phán. Mà muốn phê phán cũng nên có ý thức là để xây dựng chứ không phải ngược lại…” - Trung: tindungnganhangthu2@gmail.com
“Nói chung vẫn chưa có gì ghê gớm cả.... Các quyết định của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phần nào gây ra tổn thất cho một bộ phận nào đó, nhưng nhìn chung là cho thấy hiệu quả tích cực khá rõ nét” - Ngô Vịnh Hà: thuyanh_tramy@yahoo.com
“Các bạn nên biết rằng người bán xe nhiều, mua xe ít chủ yếu là do nền kinh tế khó khăn, chứ không phải là do phí của Bộ trưởng Thăng đâu. Cụ thể là:
1. Doanh nghiệp phá sản nhiều.
2. Thị trường bất động sản đóng băng, nhà đầu tư thua lỗ, chủ dự án lao đao.
3, Chứng khoán 2 năm nay lê lết.
4. Lãi suất vay cao, tín dụng thắt chặt trong thời gian qua.
Thử hỏi các bạn lấy tiền đâu mua xe? Mọi người nên tìm hiểu bản chất vấn đề. Chính sách phí nếu có cũng chẳng ảnh hưởng đến sức mua xe đâu, vì tôi thấy xe ở VN vẫn là mặt hàng mang nhiều sắc thái xa xỉ…” - Mr. Su: daylight_view_555@yahoo.com
“Các salon oto kinh mến. Tôi chia buồn với tình trạng kinh doanh của các bạn. Nhưng thực lòng mà nói thì tôi thấy vui vì người mua đã cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ tiền ra mua xe oto. Ai cũng lên tiếng rằng nước ta phải phát triển, rằng mua oto là quyền của mọi người. Vâng tôi không phản đối điều đó, nhưng các bạn cũng nên nhớ rằng đông đảo người dân có quyền đòi lại vỉa hè để cho họ đi bộ, và lòng đường cho xe cộ lưu thông...
Vì thế nếu bạn mua xe, bạn phải có chỗ để xe chứ không được quyền, không thể được phép dùng khoảng không gian của cộng đồng để chứa - đỗ xe của bạn. Tôi đã từng sang Bỉ và có ghé qua Luxemburg, tôi và người nhà phải đi vòng quanh hết 2 tiếng đồng hồ mới tìm ra chỗ đỗ xe ô tô để vào quán ăn trưa. Vâng, tôi nghĩ có lẽ như thế mới xứng đáng gọi là giàu có, là văn minh. Bạn chỉ có thể được tôn trọng và kính nể nếu bạn giàu, làm giàu chính đáng và giàu lịch sự, không giàu bằng cách chiếm đoạt kể cả cái vỉa hè của cộng đồng để đậu xe ô tô của mình.
Cho nên, bạn nào chưa bán được oto cũng đừng buồn, đừng vội. Hãy kiên nhẫn chờ người mua để dành tiền và tìm được chỗ đỗ xe, trước khi sắm con xe mà họ kiêu hãnh và mong đợi” - Văn Tân: quylam@gmail.com
“Hoan hô Bộ trưởng Thăng. Đúng là 1 cách làm cho trên cả nước những người có ý định mua xe ô tô phải… kinh hãi. Những điều Bộ trưởng nêu ra, tôi ủng hộ. Đúng như lời bạn Văn Tân nói: có tiền mua xe cho oách thì hãy tìm được 1 chỗ đậu xe trước. Các bạn có oto nhưng đã lấn chiếm hết lòng đường giao thông vỉa hè cho người đi bộ, người đi bộ phải tràn xuống lòng đường và tai nạn là khó có thể tránh được.
Xong vụ này, cần dẹp luôn mấy cái quán xá vỉa hè nữa, Bộ trưởng ạ. Có làm như thế thì đường mới thông, hè mới thoáng, thì người dân đi lại mới thoải mái. Có làm như thế thì đường có hẹp cũng không tồi tệ tới độ tắc. Những trường hợp vi phạm cứ phạt nặng, thu thuế cho ngân sách. Làm thế này mất nguồn thu thuế nhập khẩu, nhưng so với tai nạn, so với văn minh đô thị thì tiền nào cũng không bù đắp nổi” - Hoang Nguyen Nam: anhdeptraithichegoiduc@gmail.com
“Hoan hô bạn Văn Tân. Tôi cũng có suy nghĩ đúng như bạn. Ngày nào tôi cũng phải khổ sở khi đưa xe ra khỏi con ngõ vốn chỉ hẹp một xe đi vừa, trong khi một số người vẫn đỗ xe bừa bãi trong ngõ. Nếu không có chỗ để xe, chắc cũng không có tiền thuê chỗ để mà bày đặt mua xe ôtô rồi bạ đâu đỗ đấy chứ?” - Nam: duckiep2003@yahoo.com
Tiến một hay lùi hai?
Nhiều ý kiến bạn đọc cũng bày tỏ băn khoăn khi xác định ranh giới giữa cái phù hợp với các tiêu chuẩn cũng như tiến trình phát triển đi lên của thế giới, so với thực tế mức thu nhập và cuộc sống của đại đa số cư dân VN, trong hoàn cảnh nước ta đất chật người đông, ý thức và trình độ người dân nói chung chưa cao… Cho nên, với họ sự ủng hộ và cả lời hoan nghênh vẫn có vẻ…nước đôi, bởi vẫn còn đó nhiều câu hỏi nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng:
“Hoan hô Bộ GTVT tăng thu phí, có ảnh hưởng tốt rồi đấy ạ... Nhưng e là VN sẽ tiến... thụt lùi trở lại như thời thập niên 90 mất thôi...” - Loan: loan_ngayxua@yahoo.com
“Không ô tô ta còn xe máy,
Xe máy cũng rồi thì xe đạp cũng là xe.
Toe toe.... trời chiều nắng rực rỡ... hoe hoe,
Trở về quá khứ: cho bằng ngày xưa” - Nguyên Đình Thăng Vinhthanhbt@gmail.com
“Rồi một ngày nào đó không xa, vì điều kiện đường sá không tốt, vì lượng xe vẫn tăng quá nhanh so với phát triển giao thông. Lúc này chắc họ lại nghĩ ra một chiêu cực kỳ khoa học là: Chỉ có các cán bộ, các công chức, quan chức mới được đi xe ra đường. Ngoài ra muốn đi gì thì đi tha hồ, miễn là không phải ôtô, xe máy…? Nên chăng tôi là tôi cứ sắm một con ngựa, không lo phải mua xăng, đóng phí, chỉ cần cho ăn cỏ, mà cỏ thì bao giờ chả sẵn” - Huy Oanh: huyoanh1973@yahoo.com
“Thu được loại phí lưu hành do bác Thăng đưa ra, thì tôi chắc là Nhà nước sẽ thất thu rất lớn các loại thuế do ngành công nghiệp ôtô mang lại” – Tommy Lee: tommylee@yahoo.com
“Liệu có phải chăng khi "càng tạo ra nhiều khó khăn thì túi của một nhóm người nào đó càng đầy"? Và nhóm này lại chỉ sợ sự ổn định và phát triển…?” - Đinh $: #$123d@yahoo.com
Chiếc áo quá chật
Từ phía ngược lại, đa số mà trong đó có lẽ chiếm phần lớn cũng chỉ là những viên chức thường thường bậc… trung “trót” hoặc chưa thể nhưng vẫn nuôi mộng tậu xe hơi (chứ không phải toàn người giàu có như họ bị một số người quy chụp đâu) vẫn không thể không ấm ức. Vì nghĩ đi nghĩ lại, họ vẫn không thể hiểu vì sao khi thì dường như đã được khuyến khích mua xe, giờ lại bỗng dưng bị bắt lỗi để buộc phải lựa chọn: hoặc chia tay, hoặc vui lòng chi thêm những khoản tiền không nhỏ hàng năm để nuôi xe (mà chưa biết điểm dừng sẽ ở đâu).
“Dân Việt Nam mình đúng là vẫn khổ quá, có cái xe hơi đi lại mà cứ bị “đe nẹt” đủ kiểu thế này. Thôi bán xe hơi, đi xe máy cho đúng chủ trương vậy....!” - Nguyễn Quang Minh minh@gmail.com
“Với các mức phí chuẩn bị thu, tôi cũng phải bán 3 xe ô tô đang kinh doanh. Bạn nào có nhu cầu liên hệ… Vì các loại lệ phí: bến bãi, xăng dầu, môi trường , giao thông và cả loại phí (khác?).... Không thể kinh doanh được nữa!” - Lê huy Khắc: phuongdongvn@yahoo.com.vn
“Ở nước ngoài giao thông thuận lợi, phí tuy có nhưng giá xe ôtô lại rất rẻ. Chiếc xe của chúng ta đã chồng lên nó bao nhiêu là loại thuế và phí, giá xe thì đắt gấp bao nhiêu lần so với nước bạn rồi? Vậy bây giờ có lẽ cứ lúc nào thiếu tiền là các vị ấy lại nghĩ ra thêm loại phí nào nữa đây? Than ôi!” - Nguyên Đình Thăng: Vinhthanhbt@gmail.com
“Như bạn Văn Tân nói là ở Bỉ và Luxemburg như thế, nhưng thực tế theo tôi nghĩ thì chưa hẳn đã là vậy đâu. Có nhiều nước trên thế giới cũng như VN đấy chứ, họ vẫn phải đậu xe bên lề đường đó thôi. Nhưng điều đáng nói là cơ sở hạ tầng của nước họ rất phát triển, không phải như sự phát triển của cơ sở hạ tầng VN đến nỗi... lối đi cũng không đủ để đi được…” - bạn đọc có email: lenguyenct@yahoo.com
“Tôi thấy bạn Đinh USD gì đó nhận định rất sáng suốt. Có lẽ có những người luôn “muốn tạo ra sóng để bán thuyền”. Chứ cứ phẳng lặng mãi thì dân đâu chịu chi thêm tiền chứ… Tôi thấy không ít vị hình như cứ phải nghĩ ra nhiều cách để làm xoay chuyển thị trường hay sao ấy.
Thực tế đúng là vấn đề xe cộ và đường giao thông ở VN còn nhiều bất cập so với thế giới. Nhất là xe cũ, xe mới gì đều bán đắt gấp 3 lần xe ở nước ngoài. Vậy những khoản chênh lệch đó ai được hưởng? Trong khi ngân sách dành cho làm đường và bảo trì cứ luôn kêu thiếu, rồi lại buộc dân phải nộp thêm tiền thì mới làm đường, mới được đi xe? - Lam Hung Vu: chieusendai_14@yahoo.com
“Khi cho phát triển tràn lan, ồ ạt nhưng lại không lo khâu quản lý. Giờ muốn quản lý thì lại thắt chặt quá mức?” - Nguyen Duyen: thenguyenthe@gmail.com
“Thật thương cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời hạn chế xe cộ, và cũng khổ cho công nhân trong ngành này vì nguy cơ mất việc làm. Không biết bao giờ có nhiều đường đi để người dân thỏa ước mơ sắm ô tô. Xa vời quá...” - Sai An: saian@vnn.vn
“Việt Nam là quốc gia giá ô tô đắt nhất thế giới, mà người tiêu dùng vẫn phải chịu. Còn lời lãi, theo tôi thấy, lại chủ yếu vào túi một số nhóm người? Nếu vậy cũng chẳng khác gì với lĩnh vực bất động sản, hưởng chán chê rồi bây giờ kêu thị trường thế này thế nọ….Một chiếc ô tô 1.5 đến 1.8 đã đi vài chục ngàn km giá chỉ 600 đến 700 USD, thì ở Việt Nam giá phải từ 350 triệu đồng trở lên. Xe ô tô ở các nước là phương tiện đi lại để làm việc, còn ở Việt Nam có khi lại là cái mác để khoe giàu sang với thiên hạ (hoặc làm vẻ giàu sang để lòe người khác). Cũng thật trớ trêu cho họ. Bộ Công Thương cần tính toán thật chu đáo để xe nhập khẩu hay lắp ráp ở Việt Nam vẫn được bán với giá đúng thực chất so với thế giới, không làm tổn hại đến nền kinh tế của đất nước. Trong đó cần tính thuế nhập khẩu chi tiết cho lắp ráp ô tô ở Việt Nam do các xí nghiệp có vốn FDI thực hiện…” - Nguyễn Trần Tiến: ntnhatbao@yahoo.com
“Tôi vẫn không thể hiểu nổi những chính sách mà Bộ GTVT đang áp dụng nữa... Liệu đó có đúng là cách để hạn chế giao thông, hay là lại đưa nước ta và dân ta vào tình trạng khó khăn hơn? Tôi thấy dường như các vị ấy không tính trước những hệ lụy để lại trong dân khi áp dụng những chính sách gọi là mới này, khi cái được quá nhỏ so với những cái mất đi của xã hội. Liệu rằng như vậy có đúng là nghĩ cho dân không? Làm vậy có lấy được lòng tin của dân không? Những phản ứng trong nước có được các cơ quan, ban ngành hữu quan chú ý đến không, hay cứ nói là làm bằng được?
Nếu vậy tôi sợ là chúng ta có thể quay lại thời kỳ cách đây 25 năm, với phương tiện chủ yếu là xe máy, xe đạp thì các vị ấy mới hài lòng sao? Vậy thì liệu có phải bao nhiêu nỗ lực trong lĩnh vực giao thông để được như ngày hôm nay gần như tiêu tan hết?...” - Ngọc Ngọc: ngochaiswift@gmail.com
“1 đất nước phát triển mà thiếu những chiếc xe ô tô, thiếu những người sở hữu ô tô riêng thì có được gọi là phát triển không? Mà các bộ ngành tạo ra nhiều loại thuế và phí thể, thì nhân dân càng phải nghĩ cách kiếm nhiều tiền hơn để có tiền trích ra đóng thuế, phí như: công nhân tăng ca, người đi buôn tăng giá, công chức sẽ… tích cực nhận “bồi dưỡng” thì sao đây?” - Phương: miphuong01@yahoo.com
Lời giải cho bài toán mới mang tên ô tô tuy đặt ra với không quá nhiều người, nhưng đã là xã hội thì cái này bao giờ cũng có ảnh hưởng nhất định tới những cái khác, lĩnh vực khác có liên quan. Vậy nên cũng có người cố tìm được yếu tố có thể coi như hứa hẹn tích cực trong chuyện dường như tiêu cực liên quan đến bài toán ô tô thời thu phí này:
“Mình nghĩ có lẽ đây cũng là một cơ hội. Khi kinh tế đi xuống, người bán xe nhiều, nếu người nào mua nhiều xe cũ với giá hời, đợi nền kinh tế phục hồi trong ít lâu nữa, bán lại những chiếc xe đó chắc cũng được. Nhưng điều quan trọng là có đủ tiềm lực để trụ vững bây giờ hay không mà thôi. Giờ là thời điểm thị trường sẽ đào thải những người không đủ khả năng trong lĩnh vực này, để giữ lại những người giỏi!” - Phạm Tấn Thiện: phamtanthien@gmail.com
Hoặc có người cố bắt mạch xem gốc rễ ”bệnh tình” ở đâu, để mong cùng nhau bàn bạc tìm ra toa thuốc đặc trị... giúp cho ngành chức năng:
“Kinh tế phát triển trong thời gian qua đã làm cho phương tiện giao thông phát triển mạnh, trở thành “chàng thanh niên lực lưỡng”. Trong khi hạ tầng giao thông thì như cái áo của đứa trẻ đang biết bò. Bắt chàng thanh niên mới lớn mặc cái áo của đứa trẻ con thì kiểu gì nó chẳng rách, chẳng rách chỗ này thì rách chỗ khác. Nhưng tôi thấy chữa bệnh không chữa từ gốc, thì làm sao mà khỏi được đây... Mà ở Việt Nam hay thật, cứ cái gì không quản lý được là lại cấm, rồi như nhu cầu đi lại cấm không được thì thu phí thật cao... Hay thật!!!” - Hoàng: hoang_tu_buon25@yahoo.com
Thanh Nguyễn