Áp dụng tài liệu Công nghệ giáo dục: Chơi vơi về pháp lý

Đến nay, việc tranh cãi về việc áp dụng sách “Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại vẫn chưa chấm dứt. Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai tài liệu nói trên trong các trường phổ thông còn bất ổn về phương diện pháp lý.


Quan điểm chân không về nghĩa trong tài liệu TV1-CNGD còn gây tranh cãi. Ảnh: PV

Quan điểm "chân không về nghĩa" trong tài liệu TV1-CNGD còn gây tranh cãi. Ảnh: PV

Khoản 3 Điều 29 Luật Giáo dục 2005 nêu: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo

dục phổ thông, duyệt sách giáo khoa (SGK) để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và SGK”.

Theo quy định nói trên, SGK phải được Hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt cho phép sử dụng chính thức. Thế nhưng, đối với “Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục ” (TV1-CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại đã được đưa vào giảng dạy ở các trường phổ thông từ năm học 2008-2009, không thông qua thẩm định của Hội đồng quốc gia.

Đến năm 2017, sau khi có ý kiến chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Bộ GD&ĐT mới thành lập Hội đồng quốc gia để thẩm định TV1-CNGD, phát hiện nhiều sai sót, yêu cầu chỉnh sửa.

Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường.

Như vậy, đến nay, TV1-CNGD vẫn chưa được công nhận là SGK, nhưng đã triển khai giảng dạy ở 49 tỉnh thành, với hơn 800 nghìn học sinh.

TV1-CNGD được ghi là “tài liệu thí điểm”, nhưng được triển khai rộng khắp, không có thời hạn, không có sự tổng kết, đánh giá để quyết định đạt yêu cầu hay không.

Bộ GD&ĐT cho rằng, tài liệu TV1-CNGD được triển khai trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng không có hướng dẫn cụ thể quy trình. Trong thực tế, phụ huynh và giáo viên không được tổ chức lấy ý kiến, không có quyền lựa chọn.

Sau khi xảy ra dư luận phản ứng về TV1-CNGD, một số nơi đã xảy ra tình trạng phụ huynh phản đối chương trình. Tại Tiền Giang, nhiều phụ huynh đã gửi đơn kiến nghị không áp dụng chương trình, nhưng không được chấp nhận, vì địa phương đã triển khai CNGD tại tất cả các trường tiểu học từ năm 2016.

Tại Hải Phòng, nhiều phụ huynh cũng phản ứng gay gắt, không đồng tình với TV1-CNGD.

Việc này cho thấy khi triển khai chương trình TV1-CNGD, các nhà trường không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.

Chương trình TV1 -CNGD là một trong năm phương án dạy học và tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009. Sau đó, Bộ chủ trương mở rộng chương trình này để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học.

Đến năm học 2016-2017, cả nước đã có 48 tỉnh/thành với hơn 800.000 học sinh được học chương trình này.

Theo Quang Hiển

Báo Lao động