Âm nhạc tra tấn
Nếu như ca hát giúp con người xua tan mệt mỏi sau giờ làm việc, thì nay âm nhạc phát từ những chiếc loa Tàu đã như một công cụ “tra tấn” người khác.
Không cần quá cồng kềnh như dàn nhạc sống, karaoke di động chỉ gồm một chiếc loa thùng di động (thường gọi là loa kẹo kéo với giá thuê chỉ vài trăm nghìn đồng), một chiếc USB, thẻ nhớ chép các bài hát, micro, kèm theo chiếc máy tính bảng để đọc lời bài hát, ai cũng có thể trở thành “ca sĩ” trong nhiều giờ đồng hồ. Từ cưới hỏi, cho đến tiệc nhỏ, tiệc lớn, đâu cũng là dịp để người "nghệ sĩ" có thể ca hát được. Có nhà lại tự trang bị cho mình một cặp loa kẹo kéo để có thể “thỏa sức” âm nhạc bất cứ lúc nào.
Yêu thích ca hát và muốn được hát là nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng, cần thiết của đời sống tinh thần. Tuy nhiên, thực tế trong các “bữa tiệc” âm nhạc này, nhiều người mất kiểm soát, lạm dụng quá đà gây ồn ào, mất trật tự, khiến karaoke di động trở thành một “thảm họa” đối với nhiều người dân khi nhắc đến.
Khi tất cả đã ngà trong hơi men, âm nhạc lúc này trở thành một nơi để “nghệ sĩ” thỏa sức thể hiện. Nhạc một đường, ca một nẻo và thế là “ca sĩ” cứ gào thét trong đêm đen, giữa trưa nắng… mặc cho cảm giác người nghe thế nào.
Họ mở âm thanh cực lớn và hát bất kể thời gian nào, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều người xung quanh, nhất là người già và trẻ em.
Đã có những cái chết thương tâm liên quan đến vấn đề này, mà nạn nhân cũng chỉ vì mở nhạc, hát karaoke quá to khiến người khác bực tức, phiền toái mà dẫn đến phạm tội.
Ngày 28.2, công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã bắt giữ ông Nguyễn Viết Lộc (59 tuổi, trú tại thôn Bình Yên A, xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi giết người với nguyên nhân điều tra ban đầu là do hàng xóm hát karaoke quá to.
Chúng ta nên tự ý thức hơn về những hành động của mình trong cuộc sống hằng ngày để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho bản thân và cho người khác. “Vui thôi, đừng vui quá”.
Theo Văn Định
Báo Lao động