Bạn đọc viết
Ai đã lấy đi ước mơ của em?
Ai đã lấy đi ước mơ đẹp ấy của em? Câu trả lời thật khó mà thật dễ. Liệu đó có phải là sự trớ trêu của số phận như Hà Vi đã nói? Không! Không phải là số phận trớ trêu, nếu như… ? Ôi, giá mà xã hội bớt đi được những cái "nếu như" như thế thì có lẽ những cuộc đời trong trắng như Hà Vi không sớm phải gánh chịu nỗi bất hạnh cho riêng mình.
Những ngày vừa qua, câu chuyện nữ sinh lớp 10 Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) bị cắt bỏ một chân vì hoại tử gây xúc động cộng đồng mạng.
Chuyện là, trưa 6-3, trên đường đi học về em bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây bác sĩ đã tiến hành bó bột cái chân bị gãy nhưng đến tối cùng ngày thì em kêu đau, chân bị sưng, phần dưới không còn cảm giác. Mặc cho gia đình đề nghị, van xin tháo bột và chuyển viện nhưng các bác sĩ vẫn phớt lờ, mãi đến sáng 8-3, mới đồng ý tháo bột. Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bọng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị chuyển viện nhưng các bác sĩ "nhất quyết" không đồng ý, còn "giam" bệnh nhân đến ba ngày sau mới cho chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, các bác sĩ kết luận chân phải của bệnh nhân đã hoại tử và cho chuyển xuống BV Chợ Rẫy ngay nhưng đã muộn. Hà Vi vĩnh viễn mất đi một chân giữa cái tuổi thanh xuân phới phới tràn đầy ước mơ và hạnh phúc.
Theo dõi câu chuyện đau lòng của Hà Vi, cộng đồng mạng không giấu được niềm xúc động xen lẫn nỗi đau bức xúc.
Trước hết phải nói đến những vị thầy thuốc đã tham gia cứu chữa cho bệnh nhân. Rõ ràng, tai nạn của Hà Vi không phải là nghiêm trọng, không hề vượt quá khả năng chuyên môn đối với bác sĩ tuyến huyện. Thế nhưng tại sao hậu quả đau lòng mà có lẽ những người trong cuộc là bệnh nhân và người thân không hề nghĩ đến lại xảy ra như vây? Chỉ có một câu trả lời, ấy là sự yếu kém về chuyên môn, tắc trách và vô lương tâm của bác sĩ. Chính vị Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Ngoại BV Đa khoa huyện Cư Kuin cũng đã thừa nhận điều này.
Yếu kém chuyên môn có thể tha thứ được. Thôi thì bác sĩ tuyến dưới trình độ chỉ đến đó, khi mà ngành đào tạo y - dược cứ "trăm hoa đua nở". Người bệnh chỉ còn biết trông chờ vào may rủi. Nhưng cái sự tắc trách và vô lương tâm thì không thể tha thứ. Bằng chứng là các vị "lương y" đó đã phớt lờ đề nghị, van xin của gia đình, thờ ơ với bệnh tình đang diễn biến xấu của bệnh nhân. Chuyện này không hiếm gặp ở các bệnh viện tuyến dưới. Nhiều người bệnh đã chết oan hoặc mang thương tật suốt đời bởi cách hành xử "khó hiểu" như thế của một số bác sĩ.
Tuy bức xúc trước thái độ tắc trách và vô lương tâm của bác sĩ nhưng cộng đồng mạng cũng hết sức xúc động trước nghị lực sống của Hà Vi, động viên em cùng gia đình vượt qua nỗi đau mất mát này. Ai mà cầm lòng được trước những chia sẻ này của cô bé tuổi 16 trên Facebook cá nhân: “Chỉ là số phận trớ trêu, đâu ai lường trước được điều gì. Thứ bây giờ tôi cần là gia đình và nghị lực sống. Một chân nhưng không sao!”. Vi còn động viên bố mẹ: “Bây giờ con chỉ muốn mẹ vui vẻ, khỏe mạnh để chăm sóc cho con. Mẹ vui, ba vui thì con mới vui được. Mẹ đừng khóc hay suy nghĩ nhiều nữa, phải lạc quan như con này"; "Mẹ ơi, mẹ đừng khóc, nếu mẹ khóc sẽ làm cho con đau nhiều hơn, hãy mạnh mẽ lên để còn nuôi con". Cô bé thật quả cảm: "đây là số phận của con rồi, phải học cách chấp nhận thôi!”. Một chữ "thôi" nghe sao mà đau đớn, xót xa cho thân phận một cô gái tràn đầy nghị lực và ước mơ.
Hà Vi từng mơ ước trở thành chiến sĩ công an. Bây giờ thì ước mơ đó không bao giờ trở thành hiện thực đối với cô gái đang tuổi xuân thì.
Ai đã lấy đi ước mơ đẹp ấy của em? Câu trả lời thật khó mà thật dễ. Liệu đó có phải là sự trớ trêu của số phận như Hà Vi đã nói? Không! Không phải là số phận trớ trêu, nếu như… ? Ôi, giá mà xã hội bớt đi được những cái "nếu như" như thế thì có lẽ những cuộc đời trong trắng như Hà Vi không sớm phải gánh chịu nỗi bất hạnh cho riêng mình.
Xin được nói thêm rằng, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 2151 về đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, để không còn những chuyện đau lòng bởi sự tắc trách, vô cảm của người thầy thuốc.
Tâm lí của người dân khi đến bệnh viện ai cũng mong được chữa trị tốt, ai cũng muốn nhận được từ các thầy thuốc nụ cười không phải vì sức ép của một quyết định hành chính mà là xuất phát từ cái tâm cao đẹp "lương y như từ mẫu" để những cô bé như Hà Vi không bị "cướp" đi ước mơ tươi đẹp cuộc cuộc đời.
Nguyễn Duy Xuân