20/11 lại nghĩ về tôn sư trọng đạo thời nay
(Dân trí) - Tháng 9 vừa qua, tháng 11 đã tới. Những phụ huynh hay lo xa thì ngay từ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, đã nhẩm tính trong đầu xem nên chọn quà gì tặng cô (thầy) ngày 20/11. Đại đa số (chắc vậy) đều tặc lưỡi “đi phong bì” cho tiện cả đôi đường.
Hai trong Một
Có một câu cửa miệng rất hay được bạn đọc nhắc tới trong các bình luận, đó là: Chuyện chỉ có ở VN! Một trong số đó là cái gọi là “văn hóa phong bì”, mà chắc người nước ngoài gần như không hề có khái niệm về nó. Trong khi ở VN chắc ai cũng hiểu vấn đề nằm ở trong ruột của chiếc phong bì nhìn bề ngoài mỏng tang và rất rẻ tiền kia.
“Văn hóa phong bì” hoành hành ở đâu cũng đã rất phản cảm, nhưng khi nó vươn vòi bạch tuộc sang cả 2 lĩnh vực được coi là cao quý nhất trong các nghề cao quý là Giáo dục và Y tế thì rõ ràng đã trở thành “giọt nước tràn ly”, khiến dư luận không thể chịu đựng thêm được nữa. Dù nói về sức nặng của “ruột” phong bì thì chưa chắc ở 2 ngành này đã chiếm được những vị trí Top đâu.
Dịp 20/11 tuy mỗi năm chỉ có một ngày, nhưng với bao phụ huynh học sinh cái chiêu trò “hai trong một” (Hoa hoặc quà kèm phong bì) vẫn thật là khó chịu, dù ai cũng hiểu rằng:
“Nhà giáo là cội nguồn của sự phát triển, là những người đào tạo các nhân tài cho mọi ngành nghề và các lĩnh vực để phát triển kinh tế, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy cần quan tâm đến đời sống và thu nhập ổn định, đảm bảo cho các nhà giáo toàn tâm toàn ý với nghề để đào tạo ra các nhân tài, các nhà kinh tế, các nhà lãnh đạo giỏi. Như vậy đất nước mới phát triển, mà khi đất nước phát triển và giàu mạnh thì thu nhập của mọi ngành nghề cũng tăng theo” - Hoi Nguyen: tinhco_qe@yahoo.com
Nhưng tệ phong bì trong con mắt phụ huynh đã trở nên quá nhức nhối, bởi chẳng ai thích thú gì khi cứ như thể bị nhắc nhở, bị gợi ý hoặc chí ít là không làm vậy thì lại... quá khác người...
Người Thầy đúng nghĩa
Bất chấp xu hướng chung là... phong bì, trước những tấm gương thầy/cô giáo vẫn nói không với tệ nạn, dư luận hết sức ủng hộ và ca ngợi:
“Gửi cô giáo kính mến! Đọc xong bài viết về chị, tôi thấy chị mang đúng chất của 1 nhà giáo biết thương yêu học trò và thương yêu cả phụ huynh nữa, biết nỗi khổ của gia đình học trò của mình mà không nỡ nhận tiền. Thời buổi bây giờ đa số giáo viên coi trọng vật chất hơn là sự kính trọng của học trò, phụ huynh. Nếu mà không quan tâm biếu cô phong bì hay mua cái này cái khác cho cô, kiểu gì học trò cũng sẽ bị cô “thế này, thế khác”. Có tiền vào là cô đon đả, thái độ cũng khác với học sinh. Nhà tôi cũng có người làm giáo viên, chị ý phát biểu 1 câu: "Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Yêu ở đây có nghĩa là đồng tiền phải mang đến cho cô mỗi khi có dịp. Nhà giáo đâu biết rằng có phải ai cũng có nhiều tiền để biếu cô đâu. Họ ăn còn không đủ, mà khó khăn bao nhiêu thứ… Nói chung là nói về nhà giáo bây giờ đúng là còn nhiều điều phải bàn, phải phê phán lắm. Mà bây giờ không mấy ai còn quý, còn tôn trọng nhà giáo như xưa đâu. Cũng vì nhiều thầy cô không phải là nhà giáo chân chính, không giống thời các thầy cô dạy tôi hồi xưa. Các thầy cô hồi xưa có dạy học thêm, nhưng khi biết có học trò nghèo không có tiền để học thêm mới không đến nhà cô học, cô đến tận nhà bảo học trò và phụ huynh cứ cho con đi học, cô không lấy tiền học thêm. Đấy là giáo viên thời xưa, chứ giáo viên bây giờ mà không đi học thêm sẽ bị cô trù cho, sợ lắm. Tôi khi vọng qua bài báo này sẽ có nhiều thầy cô ‘lập dị” giống như cô.Thân ái!” - Nguyen Phuong: phuong693@gmail.com
“Tôi thấy bạn thực sự là nhà giáo như mẹ hiền. Tôi cảm phục tấm lòng của bạn. Đúng là để nuôi được con đi học đại học, cao đẳng thực sự rất vất vả nếu là cha mẹ công nhân, lương tháng được khoảng 3 triệu đồng. Nuôi con học đại học 1 tháng tiết kiệm nhất cũng phải mất 2 triệu tiền ăn và nhà ở. Không kể còn tiền đóng học phí, tiền sinh hoạt các loại, lấy đâu ra. Mà phong bì dù chỉ 100 ngàn đồng thôi, nhưng đâu phải chỉ 1 thầy cô, cứ cộng lại xem số lượng là bao nhiêu. Với những học sinh, sinh viên có cha mẹ làm ruộng càng khó khăn hơn nhiều. Bạn không nhận phong bì hoàn toàn không phải là người ‘lạc lõng’ đâu. Bạn đang nhận được sự mến phục vì bạn biết chia sẻ với khó khăn của rất nhiều người. Bạn thực sự là người THẦY đúng nghĩa nhất!” - Nguyen Hong Quang: dulichhuongquang@gmail.com
Đồng thời thậm chí còn có cả những đề xuất có thể là khá “cực đoan” :
“… Đất nước chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế và có thể nói là đáng báo động về mặt nhân cách con người ở nhiều lĩnh vực. Tôi nghĩ, đất nước ta cần lắm những nhà giáo chân chính để dạy dỗ các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với xã hội. Tôi đã từng nghĩ rằng có lẽ ngành Giáo dục nên bỏ Ngày Nhà giáo VN đi vì nó không còn là một ngày mang ý nghĩa thiêng liêng để tôn vinh những người làm nghề giáo cao quý nữa. Mà thay vào đó lại trở thành “ngày quà biếu” để chạy điểm hay nhờ vả cô giáo quan tâm hơn đến con em mình. Những người không có điều kiện kinh tế thì méo mặt mỗi khi 20/11 đến. Không ai khác, chính những người làm giáo dục đã và đang vô tình làm hỏng ý nghĩa cao quý, thiêng liêng của Ngày Nhà giáo cũng như ngành giáo dục của chúng ta…” - Trần Văn Phong: hoabinhsmartdoor@gmail.com
Tình Thầy - Trò xưa và nay
Tất nhiên không phải thầy cô nào ngày nay cũng thế, và chắc không ai muốn vơ đũa cả nắm đâu. Vì ai cũng hiểu vẫn còn đó những thế hệ nhà giáo chân chính, đích thực là những con người cần mẫn chở đò đưa bao thế hệ học trò qua sông tìm chữ, với tất cả cái tâm cùng tình cảm yêu thương trò như với chính con cái, người thân của mình.
“Tình cảm thầy - trò thật đáng trân trọng. Ngày xưa mình đi học, tình cảm thầy - trò thiêng liêng lắm. Bây giờ khi đã là 1 người mẹ có con đi học, sao thấy khác xa ngày xưa quá. Thầy cô giờ đa số không còn như trước. Xã hội thay đổi nhiều quá, nhất là ở thành thị. Dường như bây giờ chuyện phong bì là 1 nguyên tắc bất di bất dịch thì phải. Muốn tìm lại những tình cảm trong trẻo, chân thành mà khó quá. Nhiều lúc tự nghĩ: không biết sau này con đi học tiểu học, rồi cấp 2, 3...liệu mình sẽ nói với con như thế nào về thầy cô, để chúng luôn trân trọng nghề nhà giáo...???” - Cun: hemiao_bg@yahoo.com
Nhưng ngày nay cũng đâu phải quá hiếm những tấm gương sáng trong ngành giáo dục như… xưa:
“Tôi cũng là giáo viên nên tôi rất hiểu những điều đó, và bản thân tôi cũng cùng quan điểm trên với bạn. Có thể người khác thấy mình ‘khùng’, mình ‘lập dị’, nhưng tôi nghĩ thực ra mình rất may mắn vì được nhận nhiều thứ đáng quý hơn thế. Đó là sự tin yêu, kính trọng của học sinh mà không gì có thể mua được. Tôi có cậu sinh viên cũ mà tôi đã dạy từ năm thứ nhất, những ngày 20/11 cậu ấy thường tự gói hoa đem tặng tôi. Món quà tuy nhỏ, cũng không xa xỉ nhưng tôi thấy rất vui vì cảm nhận được tấm lòng của người tặng ở trong đó. Hoặc có những sinh viên gọi điện chỉ để chúc mừng cô và nói một câu: "Em cảm ơn cô đã cho em thấy được niềm tin và sự tự tin trong cuộc sống". Chỉ thế thôi cũng là quá đủ, tôi vẫn thấy mình là người hạnh phúc nhất. Sao phải cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những điều tốt đẹp mình làm được cho sinh viên của mình nhỉ? Cảm ơn các học trò của tôi” - nick Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không em...?: nhoccon280681@yahoo.com
“Chào các bạn! Tôi cũng là một người giáo viên. Tôi đến với nghề không phải vì để có 1 công việc, mà là từ một sự đam mê, một niềm mơ ước từ trước. Bởi trước đây nhà tôi rất nghèo, bố mẹ rất vất vả mới nuôi được mình tôi học hành đến nơi, đến chốn. Bởi vậy, tôi nghĩ mình sẽ phải quyết theo nghề sư phạm để giúp những em có hoàn cảnh như mình được như mình bây giờ. Làm thay công việc của những bác lái đò đã kiệt sức. Năm đầu tiên tôi vào nghề, đến ngày kỉ niệm 20/11, tôi được các em rất hồ hởi mang hoa và thiếp đến tặng. Biết trong thiếp có tiền nên tôi chỉ nhận hoa, còn tiền tôi tặng lại cả lớp làm phần thưởng cuối năm cho em nào học giỏi nhất. Tôi đã nói rất rõ như vậy cho các em phấn đấu học tập. Nhưng sau ngày đó đã có nhiều người nói tôi khùng, một mình một kiểu....Tôi rất suy nghĩ, không biết điều đó có thích hợp với thời đại ngày nay không...?” – nick Khổ chủ: bachma1978@gmail.com
Cũng đâu phải chỉ dịp 20/11 nhiều người lại liên tưởng giữa chuyện Xưa với chuyện Nay, dù chắc chắn không ai muốn quay lại cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ trước đây nữa cả… Vậy phải làm sao để những điều tốt đẹp luôn được nâng niu, trân trọng để tiếp tục tồn tại và được tôn vinh chứ không phải là ngược lại...???
Kiều Anh