17 loại bằng lái: rối rắm, xáo trộn, tốn kém và không biết để làm gì
Việc cơ quan quản lý đưa ra tới 17 loại giấy phép lái xe mới, hàng triệu người dân sẽ phải thay đổi, bổ sung, gây tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc và cả nơ ron thần kinh nữa.
Mục đích của việc cơ quan quản lý đưa ra tới 17 loại giấy phép lái xe mới là để làm gì? Là nhằm “phù hợp với chuẩn quốc tế”. Và chỉ vì cái mục tiêu khá... xa dân này, hàng triệu người dân sẽ phải thay đổi, bổ sung, gây tốn kém không biết bao nhiêu tiền bạc và cả nơ ron thần kinh nữa.
Bằng A1 theo quy định được phép điều khiển xe có dung tích xy-lanh từ trên 50cc đến dưới 175cc, sẽ chỉ được điều khiển xe có dung tích xy-lanh đến 125cc và động cơ điện có công suất từ 4 đến 11kW.
Bằng hạng B1 sẽ không được phép điều khiển 4 bánh mà được cấp cho 3 bánh.
Bằng hạng B2 vẫn được điều khiển xe dưới 9 chỗ ngồi, xe tải có khối lượng hàng không vượt quá 3.5 tấn... nhưng chỉ là đối với xe... số tự động. Còn để được cấp phép điều khiển cả xe số sàn và số tự động giống bằng B2 trước đây, tài xế cần được cấp bằng B theo dự thảo mới.
Đây là những thay đổi như một cú sốc trong Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Kể cả là cho dù nó không có hiệu lực hồi tố đi chăng nữa.
Một tờ báo dẫn lời chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, một người công tác lâu năm trong ngành, nhận xét chính xác: Đọc các loại bằng theo dự thảo Luật thấy "rối mù".
Bao nhiêu người sẽ phải thay đổi, phải bổ sung, bao nhiêu người sẽ “tăng xông” vì cái quy định mới này? Dự thảo sửa đổi không hề đưa ra đánh giá tác động.
Nỗi lo lắng đã bắt đầu. Những bức xúc đã bùng lên. Bởi, với tư cách là người chịu tác động chính sách, người dân không biết, không hiểu những thay đổi này để làm gì và tại sao?
Và đây là lý do: Việc thay đổi, bổ sung các hạng bằng lái xe là nhằm phù hợp với chuẩn quốc tế... Lời ông Lương Duyên Thống - vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ trên báo Tuổi trẻ.
Ông Thống cũng nói thêm mục đích là “tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sử dụng bằng lái xe của Việt Nam khi ra nước ngoài và người nước ngoài sử dụng bằng lái xe của nước họ cấp tại Việt Nam”.
Có bao nhiêu người Việt sử dụng bằng lái xe của Việt Nam ở nước ngoài? Có bao nhiêu khách du lịch thụ hưởng khi sử dụng bằng lái xe nước ngoài ở Việt Nam? Và bao nhiêu người trong nước sẽ phải khốn khổ vì chính sách, quy định thay đổi như chong chóng mà ngay cả lý do thay đổi cũng rất xa vời, rất xa cuộc sống thực tế của người dân.
Ban soạn thảo nói sẽ ghi nhận phản ánh của người dân. Vậy thì nên dừng lại. Đừng hôm nay phải bật đèn ban ngày, mai không nhất thiết. Đừng hôm nay rối tung rối mù với B1, B2, A1, A2 chỉ vì... khác với nước ngoài.
Theo Anh Đào
Lao động