1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hải quân Mỹ tính cách đảm bảo an ninh biển Đông

Liệu quân đội Mỹ có đủ các nguồn lực cho một thế kỷ châu Á?

Một bài báo trên tờ Washington Post số ra ngày 26/3 đã bàn về một sự mở rộng mới của mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Australia. Theo bài viết này, Hải quân Mỹ đang nỗ lực triển khai khả năng của mình để hoạt động ở Ấn Độ Dương từ tây Australia. Lầu Năm Góc cũng hy vọng sẽ thiết lập một căn cứ do thám trên không tầm xa ở quần đảo Cocos, một đảo san hô vòng hẻo lánh của Australia nằm giữa Perth và Sri Lanka. 

Sự mở rộng năng lực quân sự này của Mỹ về phía đông bắc Ấn Độ Dương diễn ra nhanh chóng tiếp sau một thỏa thuận năm ngoái nhằm bố trí một lực lượng nhỏ lính thủy đánh bộ Mỹ đóng quân lâu dài gần Darwin ở bờ biển phía bắc và để mở rộng sự tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ và bãi huấn luyện của Australia.

Đến lúc này, tôi nhận thấy rằng, sức mạnh quân sự Mỹ ở tây Thái Bình Dương đang tập trung vào Nhật Bản và Hàn Quốc (một di sản của Chiến tranh Lạnh) trong khi khu vực cạnh tranh sức mạnh lớn đang nổi lên - Biển Đông - nằm cách đó 2.000 dặm (3.200km) về phía nam. Các thỏa thuận của Mỹ với Australia, kết hợp với một sự mở rộng lớn các cơ sở quân sự trên đảo Guam, là một nỗ lực tăng cường khả năng của Lầu Năm Góc nhằm duy trì một sự hiện diện tiếp tục lớn hơn ở Biển Đông và Đông Nam Á.

Hải quân Mỹ tính cách đảm bảo an ninh biển Đông

Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông là đảm bảo tự do hàng hải thông qua những gì có thể xem là hải trình thương mại quan trọng nhất trên thế giới. Các thỏa thuận với Australia cùng sự tăng cường lực lượng trên đảo Guam là hữu ích nhưng chưa đủ.

Hải quân sẽ cần phải cung cấp một sự hiện diện đủ làm yên lòng những nước tiếp giáp Biển Đông nhằm không để cho những tranh chấp về vùng biển này đe dọa đến lưu thông thương mại ở khu vực. Hiện vẫn còn phải xem liệu Hải quân Mỹ sẽ có đủ năng lực và các kế hoạch thực tế để hoàn thành nhiệm vụ này về lâu dài hay không.

Tuần trước,  Hải quân Mỹ đã gửi tới Quốc hội một bản kế hoạch cập nhật 30 năm của họ, theo đó sẽ tiếp tục xu hướng của một lực lượng hải quân tinh giản hơn bao giờ hết. Kế hoạch mới nêu ra một con số trung bình 298 tàu hoạt động trong vòng 30 năm tới, giảm so với dự báo năm ngoái là trung bình 306 tàu. Và kế hoạch cũng thấy trước Hải quân Mỹ sẽ mua ít tàu mới hơn mỗi năm, tăng đầu tư vào khía cạnh khác.

Theo đánh giá của Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ về việc đóng tàu của Hải quân thì những kế hoạch đó quá lạc quan và không đủ ngân sách để triển khai.

Vài năm trước, Hải quân đã có các kế hoạch về một hạm đội 313 tàu. Cơ quan Đánh giá Quốc phòng độc lập hàng quý của hai đảng yêu cầu một hạm đội gồm 346 tàu. Hiện không có kế hoạch nào nhằm đạt được một trong hai mục tiêu này. 

Thứ trưởng Bộ Hải quân Robert Work, trong một bài phát biểu hồi tháng 1/2012 trước Hiệp hội Hải quân Mặt nước, đã gạt bỏ những lo ngại về vấn đề cắt giảm tàu của Hải quân. Ông Work khẳng định rằng, các kế hoạch thiết thực của Hải quân về do thám trên không tầm xa, được tiến hành bởi những máy bay mới như P-8A Poseidon và một phiên bản máy bay không người lái Global Hawk của Hải quân, sẽ đảm trách phần lớn các hoạt động tuần tra trên biển thường lệ mà trước kia do các tàu thực hiện.

Các căn cứ ở Australia, quần đảo Cocos, và ở những nơi khác thuộc tây nam Thái Bình Dương sẽ hỗ trợ giám sát Biển Đông. Nếu các tàu được yêu cầu phản ứng trước các vấn đề, các chỉ huy có thể cử chúng đi như vốn vẫn thế. Nhưng theo cách nói của ông Work, ít tàu hơn sẽ được cần đến cho tuần tra thường lệ. Và với ít tàu vận hành hơn thì Hải quân sẽ tiết kiệm được chi phí và đảm bảo các tàu của mình được bảo trì tốt hơn.

Vấn đề là liệu tăng cường giám sát biển từ trên không và ít tàu hơn thực hiện ít các chuyến cập cảng hơn xung quanh Biển Đông và các nơi khác có cung cấp được sự hiện diện ổn định và đảm bảo mà sự hiện diện hữu hình của các tàu Hải quân vẫn đảm nhiệm từ trước đến nay. Học thuyết do thám trên không của ông Work và kích cỡ hạm đội được thu nhỏ của Hải quân kết hợp với nhau tạo thành một học thuyết mới về cung cấp sự hiện diện ổn định ở những chốn chung toàn cầu, chẳng hạn như Biển Đông.

Chúng ta sẽ biết rằng học thuyết này sẽ thất bại nếu lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ gia tăng hành xử cản trở ngoại giao. Các cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, phản ứng nữa trước một sự suy giảm thấy rõ về sức mạnh quân sự của Mỹ, sẽ là một dấu hiệu thất bại khác. Sự gia tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm ở mức hai con số của Trung Quốc và một cuộc chạy đua vũ khí tàu ngầm đang xuất hiện trong khu vực không phải là những tín hiệu tốt.

Nhiệm vụ của Hải quân nhằm cung cấp một sự hiện diện ổn định ở Biển Đông và các nơi khác đã trở nên phức tạp hơn trước các mối đe dọa ngày càng lớn về tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Những mối đe dọa này đang buộc Hải quân và Không quân phải phát triển các cách thức hoạt động mới chống lại kẻ thù từ các khoảng cách xa, nơi các tàu và máy bay sẽ không dễ bị tấn công bởi tên lửa địch. Mối đe dọa tên lửa cũng khuyến khích Hải quân và Không quân dựa nhiều hơn vào các nền tảng bí mật, chẳng hạn như tàu ngầm và máy bay tàng hình tầm xa. Tất cả những xu hướng này hoạt động trái ngược với khái niệm về một sự hiện diện chủ động hữu hình mà Hải quân từng dùng để ngăn chặn các mối đe dọa ở những nơi chung toàn cầu nhưng lại có thể ngày càng trở nên khó bảo vệ trước các tên lửa địch. 

Các tàu được giao "nhiệm vụ hiện diện", chẳng hạn như tuần tra Biển Đông và thực hiện các chuyến cập cảng trong khu vực, sẽ chịu rủi ro nhiều nhất từ tấn công tên lửa lúc khởi đầu một cuộc xung đột. Thực tế này sẽ càng khuyến khích Hải quân giữ cho các tàu nổi mặt nước có năng lực và uy tín nhất của mình, chẳng hạn như các hàng không mẫu hạm, khuất tầm nhìn của các đồng minh nằm trong tầm bắn của tên lửa địch. Vì mối đe dọa tên lửa đã chín muồi, các tàu chiến ven biển (LCS) mới và có năng lực khiêm tốn nhất của Hải quân, với vài chiếc trong số đó sẽ được đóng ở Singapore, có thể thực hiện nhiệm vụ hiện diện chủ động, giương cờ trong thời bình và đóng vai trò như những chiếc "bẫy" có thể hy sinh nếu như chiến sự nổ ra. Trong khi đó, hạm đội chính và năng lực tấn công tầm xa khác sẽ chờ đợi ở phía bên kia đường chân trời và khuất tầm nhìn.

Trong trường hợp đó, các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ trông cậy vào các LCS nhỏ được trang bị vũ khí nhẹ nhằm gây truyền sự kính sợ về năng lực quân sự Mỹ. Với sự mở rộng mới về mối quan hệ với Australia, Lầu Năm Góc đang tìm kiếm một cách thức nhằm tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Khi làm thế, họ sẽ phải tìm ra cách tiếp tục cung cấp một sự hiện diện hải quân đảm bảo - điều mà Hải quân đã thực hiện trong nhiều thập niên - trong khi mối đe dọa tên lửa đối với sự hiện diện đó ngày càng lớn. Càng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ là ngân sách đóng tàu của Hải quân đang chịu áp lực và không đủ ngay cả cho các kế hoạch đã cắt giảm hiện nay. Các lãnh đạo Hải quân đang nỗ lực khám phá các sách lược mới và các cấu trúc mới để thích ứng với một tình hình ngày càng xấu đi. Nhưng liệu những biện pháp đó có khả năng trấn an các đồng minh và ngăn chặn được các kẻ thù tiềm ẩn?