Telegram - "Vùng đất màu mỡ" cho lừa đảo, cờ bạc và mại dâm tại Việt Nam
(Dân trí) - Nền tảng nhắn tin Telegram, với những lời hứa hẹn về bảo mật và ẩn danh, trớ trêu thay lại đang trở thành một "vùng tối" trên không gian mạng Việt Nam.

Các đối tượng tội phạm đã và đang lợi dụng triệt để ứng dụng này để thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật, từ lừa đảo tinh vi, tổ chức đánh bạc quy mô lớn đến môi giới mại dâm một cách công khai, gây nhức nhối trong dư luận và đặt ra những thách thức lớn cho cơ quan quản lý.
Trước tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan trên không gian mạng, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 (Bộ Công an), đã có những động thái quyết liệt, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoạt động của ứng dụng Telegram tại Việt Nam.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, Telegram có nguy cơ trở thành một "web đen" phiên bản mới, nơi các hoạt động tội phạm diễn ra dễ dàng và khó kiểm soát hơn so với các nền tảng khác. Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở.
Theo Cục A05, hiện có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá. Xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy, có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...
Muôn hình vạn trạng lừa đảo trực tuyến qua Telegram
Một trong những vấn nạn nổi cộm nhất trên Telegram tại Việt Nam chính là lừa đảo trực tuyến. Với khả năng tạo nhóm chat lên đến hàng trăm nghìn thành viên, dễ dàng ẩn danh và xóa dấu vết, Telegram trở thành công cụ lý tưởng cho các đối tượng xấu.
Hàng loạt chiêu trò lừa đảo đã được ghi nhận, từ giả mạo tin nhắn cơ quan chức năng, ngân hàng để chiếm đoạt tài khoản, lừa đảo đầu tư tài chính với lợi nhuận "khủng" (như các mô hình đầu tư tiền ảo, Forex trá hình), đến các hình thức lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên online với nhiệm vụ đặt đơn ảo để chiếm đoạt tiền cọc.

Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, việc Telegram được quảng cáo là ứng dụng an toàn, không thu thập dữ liệu người dùng đã vô tình tạo cảm giác "an toàn giả tạo" cho tội phạm, khiến chúng mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các hành vi phi pháp.
Các nhóm lừa đảo thường xuyên chia sẻ cơ sở dữ liệu bị đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân, và thậm chí là giao dịch các công cụ, dịch vụ phục vụ cho hoạt động tấn công mạng.
Điển hình như đầu năm nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã cho biết một phụ nữ 56 tuổi ở Quảng Ninh đã nhận được tin nhắn mời tham gia vào một nhóm đầu tư tiền ảo trên ứng dụng Telegram. Sau đó, người này làm theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt hơn 600 triệu đồng.
Cờ bạc trực tuyến: Hoạt động kín đáo nhưng quy mô lớn
Bên cạnh lừa đảo, Telegram còn là nơi các đường dây cờ bạc trực tuyến ẩn mình hoạt động. Các hội nhóm kín được tạo ra để kêu gọi, lôi kéo người chơi tham gia vào các hình thức cá độ bóng đá, lô đề, game bài đổi thưởng...
Việc giao dịch thường được thực hiện qua các tài khoản ngân hàng không chính chủ hoặc tiền ảo, gây khó khăn cho công tác điều tra và triệt phá. Tính năng ẩn danh và khả năng tạo các kênh thông tin một chiều giúp các đối tượng dễ dàng quảng bá, chia sẻ kèo cược mà không sợ bị phát hiện.
Cuối năm 2024, công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ đối tượng Lường Văn Thu (40 tuổi, ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), người cầm đầu đường dây đánh bạc dưới hình thức mua, bán số lô, số đề qua tin nhắn, mạng xã hội Telegram, Zalo.
Qua điều tra, cảnh sát xác định đường dây của Thu đã tổ chức đánh bạc với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng.
Mại dâm: "Chợ tình" công khai trên không gian ảo
Đáng báo động hơn, Telegram đã trở thành một "ổ chứa" mại dâm trực tuyến tại Việt Nam. Các đối tượng môi giới mại dâm lập ra vô số hội nhóm, kênh Telegram để đăng tải hình ảnh, video nhạy cảm của gái bán dâm, kèm theo thông tin cá nhân, giá cả và phương thức liên hệ.
Hoạt động này diễn ra một cách công khai, thách thức pháp luật và thuần phong mỹ tục. Các nhóm "sugar baby - sugar daddy", các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm "check hàng" mọc lên như nấm, biến Telegram thành một "chợ tình" thu nhỏ.
Mới đây, ngày 9/5, Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan chức năng vừa tiếp nhận trình báo của một nam thanh niên về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến gái gọi trên nền tảng này.
Theo đó, ngày 29/4, Công an phường Hà Cầu, quận Hà Đông, nhận được đơn của anh M. (30 tuổi, ở quận Hà Đông) trình bày việc anh vào ứng dụng Telegram để xem phim đồi trụy và tìm dịch vụ "gái gọi".
Sau đó, anh M. được các đối tượng hướng dẫn nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận "hoa hồng" từ việc nạp tiền.
Tổng số tiền anh M. đã nạp là hơn 3,5 tỷ đồng nhưng sau đó nam thanh niên không rút được ra. Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn anh phải làm thêm nhiệm vụ mới rút được tiền.
Biết mình đã rơi vào "bẫy", anh M. đến cơ quan công an trình báo.
Thực trạng tội phạm hoạt động dày đặc và công khai trên Telegram khiến nhiều chuyên gia phải ví von nền tảng này nguy hiểm không kém gì "web đen" (dark web) - phần chìm của Internet vốn là nơi ẩn náu của tội phạm.

Nhiều hội nhóm mại dâm trên Telegram (Ảnh: Thế Anh).
Với việc dễ dàng truy cập, tạo tài khoản ẩn danh và khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng đã biến Telegram thành một công cụ đắc lực cho giới tội phạm. Từ mua bán vũ khí, ma túy, giấy tờ giả đến chia sẻ nội dung đồi trụy, tất cả đều có thể được tìm thấy trên nền tảng này.
Trước thực trạng này, Cục Viễn thông chỉ ra, kể từ ngày 1/1, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành quy định này. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật Viễn thông.
Khi đó, theo điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn.
Cục đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ được quy định, triển khai các giải pháp, biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.