Vụ thảm sát ở Bình Phước: nguồn cơn của tội ác

Hai nghi phạm đã nhận tội với nhiều chứng cứ mạnh chống lại họ (trong có hung khí gây án) trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước. Việc thực thi công lý chắc chắn sẽ diễn ra trong thời gian tới.

1. Nhưng cần nhắc lại, cho đến lúc này, dù có chắc chắn đến đâu, nghi phạm vẫn chỉ là nghi phạm. Nghi phạm chỉ trở thành tội phạm sau tiếng gõ búa quyết định của thẩm phán.

Tuy nhiên, trước một khối lượng thông tin quá lớn dồn dập đăng tải trên các trang báo trong ngày qua, cộng đồng mạng đã mau chóng định tội và đặt ra hàng trăm hình thức xử phạt như thời trung cổ dành cho nghi phạm. Điều này có thể tạm thông cảm do nỗi bức xúc của dư luận trước hành vi gây án khủng khiếp của thủ phạm.

Song, việc nhiều quan điểm quay lại “tấn công” nạn nhân L. (con gái trong gia đình nạn nhân) là điều khó chấp nhận ở xã hội văn minh. Cụ thể, theo thông tin điều tra từ Bộ Công An, nạn nhân L. đã từng có quan hệ tình cảm với nghi phạm Nguyễn Hải Dương. Dương cũng từng có thời gian ăn ở tại nhà L. Song, do gia đình cấm cản, L. đã chia tay Dương. Bi kịch diễn ra khi Dương nảy ý định giết người cướp của để trả thù gia đình người yêu cũ.

Những “thẩm phán cộng đồng mạng” đã “buộc tội” của nạn nhân L. là: “cõng rắn cắn gà nhà”; “rước voi về giày mả tổ”, “Mị Châu thế kỷ 21”… Cùng nhiều lời lẽ cay độc hơn mà người viết không tiện nêu.

2.Trong tâm lý học tội phạm, thuật ngữ “Victim-blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân) là thuật ngữ khá phổ biến. Theo đó, cộng đồng thường nhìn nhận hành vi phạm pháp theo chiều hướng đổ lỗi cho nạn nhân dạng “không có lửa sao có khói”, nạn nhân phải như nào thì mới bị như vậy…

Trong thảm án ở Bình Phước, một phần dư luận đã mắc tâm lý này và nó hoàn toàn sai lầm so với thực tế. Thử hình dung lại câu chuyện: L. yêu Dương có phải là tội lỗi? Tất nhiên là không. L. chia tay Dương có phải tội lỗi? Cũng không. Trong tình yêu, một trong hai người có quyền bình đẳng như nhau trong chuyện yêu và ngừng yêu. Còn những câu chuyện báo chí đăng tải về chuyện L. “lấy trộm tiền” gia đình cho Dương qua lời kể… hàng xóm, dù có là thật thì nó vẫn không hề liên quan tới án mạng.

Vụ thảm sát ở Bình Phước: nguồn cơn của tội ác

Ai có quyền kết tội trong vụ thảm sát ở Bình Phước? Xin lỗi cộng đồng mạng, không phải các vị, những người sẵn sàng kết tội cả nạn nhân!

Vậy nguồn cơn của tội ác là gì? Đó là do thú tính của những kẻ đội lốt người (tuyệt đối không phải tại nạn nhân); là cái ác đang gieo rắc hằng ngày khi người ta vẫn mong dùng những điều ác hơn để tận diệt cái ác.

Và quan trọng hơn, cái ác vẫn sinh sôi không ngừng trong lòng xã hội với tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này vô hình trung tạo tấm màn dư luận che đậy cho động cơ tội ác. Tâm lý này lây lan như virus và nó sẽ “truyền cảm hứng” cho những kẻ “hận tình” tạo lên các thảm kịch khác nếu cộng đồng không cùng nhận thức đúng và lên án tâm lý “victim blaming”.

Trở lại với câu hỏi: Ai có quyền kết tội trong vụ thảm sát ở Bình Phước? Xin lỗi cộng đồng mạng, không phải các vị, những người sẵn sàng kết tội cả nạn nhân!

Theo Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa