Quảng Ngãi:

Mái ấm chắp cánh ước mơ cho những "vầng trăng khuyết".

(Dân trí) - Đến với trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), những "vầng trăng khuyết" được học hành, vui chơi và làm việc, được "chắp cánh" để thực hiện ước mơ hòa nhập cộng đồng.

Chàng trai trẻ Võ Chí Thông (23 tuổi, huyện Bình Sơn) đến với trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn vừa tròn 1 năm. Mắc chứng bệnh chậm phát triển trí tuệ kèm những cơn động kinh hành hạ khiến cuộc sống trước kia của Thông chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ.

Vậy mà hiện Thông đang là "giảng viên" của 35 trẻ khuyết tật đang học nghề tại trung tâm. Nhẹ nhàng chỉ dẫn các em những thao tác đầu tiên trong nghề may công nghiệp, Thông cười hiền: "Nhờ các thầy cô ở đây mà em học được nghề may và làm chổi đót, giờ em ở lại để giúp các thầy cô chỉ bảo cho các em đi sau".

Võ Chí Thông hướng dẫn các em nhỏ trong giờ thực hành may.
Võ Chí Thông hướng dẫn các em nhỏ trong giờ thực hành may.

Thông là 1 trong 3 học sinh được trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn giữ lại để hỗ trợ các thầy cô giáo với mức thù lao 2,5 triệu đồng/tháng. "Em có chỗ ăn ở rất đẹp, có việc làm hằng ngày nên cũng có tiền tích lũy hàng tháng. Em vui lắm anh ạ", Thông chia sẻ.

Niềm vui của Thông cũng chính là niềm vui của 31 cán bộ, giáo viên trung tâm khuyết tật Võ Hồng Sơn. "Mỗi ngày thấy các em cười vui, tiến bộ hơn trong giao tiếp, được làm việc để tự nuôi sống bản thân là chúng tôi hạnh phúc", cô Trần Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn tâm sự.


Các thầy cô giáo ân cần hướng dẫn trẻ em khuyết tật học nghề

Các thầy cô giáo ân cần hướng dẫn trẻ em khuyết tật học nghề

Ngoài 3 em được giữ lại hỗ trợ đào tạo nghề, trung tâm còn làm cầu nối cho 7 em làm việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh với mức lương từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng. "Dự kiến kết thúc năm học 2016 - 2017 sẽ có thêm 10 em được các doanh nghiệp may nhận vào làm việc. Chúng tôi xem đây là "phần thưởng" cho những nỗ lực của cán bộ, nhân viên và những tấm lòng hảo tâm đã đóng góp, ủng hộ cho trung tâm suốt thời gian qua".


Nụ cười của trẻ em khuyết tật tại mái ấm Võ Hồng Sơn.

Nụ cười của trẻ em khuyết tật tại "mái ấm" Võ Hồng Sơn.

Không chỉ thành công ở nội dung đào tạo nghề, các lớp dạy văn hóa cho trẻ em khuyết tật trí tuệ tại trung tâm cũng đạt hiệu quả cao. Qua 2 năm được chăm sóc, rèn luyện đã có trên 75% trẻ khuyết tật trí tuệ điều chỉnh được hành vi của bản thân.

Anh Trần Văn Tính (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) cho biết: "Con trai tôi 11 tuổi nhưng cháu không làm chủ được hành vi nên thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà. Sau 2 năm vào trung tâm cháu đã viết được, còn biết chào hỏi mọi người, biết nghe lời ba mẹ".

Theo cô Trần Thị Thu Thủy, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn đang nuôi dạy miễn phí cho 145 trẻ em khuyết tật, trong đó có 35 trẻ được đào tạo nghề may, làm chổi, làm hoa nhựa, trồng rau an toàn... Những hoạt động trong trung tâm giống như một gia đình, các em được học, vui chơi và làm việc như những trẻ em bình thường khác. Đưa chúng tôi đi xem vườn rau sạch rộng 1.000 m2 do chính các em chăm sóc, cô Thủy cho biết: "Khu vườn cung cấp đủ lượng rau xanh cho các bữa ăn tại trung tâm, tính ra mỗi tháng tiết kiệm hơn 2 triệu tiền mua rau. Ngoài ra, các sản phẩm chổi, hoa nhựa của các em mang về nguồn thu trên 5 triệu đồng mỗi tháng. Nguồn kinh phí này được chúng tôi dùng để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho các em".

Hơn 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn thật sự đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ở đó, các em được yêu thương, được bù đắp, được chắp cánh cho ước mơ đơn giản nhất của cuộc đời.

"Em muốn làm được những cái chổi thật đẹp để bán có tiền phụ giúp ba mẹ", học viên Lê Huỳnh Bảo Trân (16 tuổi, huyện Nghĩa Hành) nói qua ngôn ngữ ký hiệu với ánh mắt đầy niềm tin.

Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập dựa vào cộng đồng, được hình thành từ sự giúp đỡ ban đầu của gia đình nhà báo quá cố Võ Hồng Sơn - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài gòn Giải phóng tặng hơn 4.500 m2 đất để xây dựng trung tâm. Từ sự giúp đỡ ban đầu đó, nhiều tấm lòng hảo tâm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố, nhất là huyện Nghĩa Hành đã ủng hộ, giúp sức nhiệt tình để trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn được thành lập vào tháng 4/2015. Trung tâm do ông Nguyễn Hoàng Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi làm giám đốc. Trung tâm là nơi trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, học tập văn hóa, học nghề, hướng dẫn kỹ năng sống để các em sớm hòa nhập cộng đồng. Qua 2 năm đi vào hoạt động, trung tâm đã vận động được trên 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chi trả cho hoạt nuôi dạy trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Hà Xuyên