S&P 500 lên mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi

(Dân trí) - Thị trường đón nhận thêm thông tin cho thấy thị trường việc làm đang cải thiện, hiện tồn tại nỗi lo về khả năng quy định mới ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng và công ty y tế.

Cứ 4 cổ phiếu tăng điểm thì có 3 cổ phiếu giảm điểm trên sàn New York. Chỉ số S&P 500 tăng chưa đầy 0,1% lên mức 1.118,79 điểm, như vậy so với mức đỉnh cao thiết lập vào tháng 1/2010, chỉ số này hiện chỉ còn giảm 2,7%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 9,22 điểm tương đương 0,1% xuống mức 10.396,76 điểm. ADP Employer Services công bố các công ty Mỹ sa thải 20 nghìn việc làm trong tháng 2/2010, mức thấp nhất trong 2 năm và dự báo việc làm trong lĩnh vực tư nhân có thể tăng trưởng trong tháng 3/2010.

Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố chỉ số của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực đóng góp 90% vào kinh tế Mỹ, tăng lên mức 53 từ mức 50,5 của tháng 1/2010, con số này như vậy cao hơn dự báo của giới chuyên gia.

Trong khảo sát kinh tế các vùng (Beige Book), FED nhận xét dù kinh tế cải thiện tại phần lớn các khu vực, nỗi lo về thị trường bất động sản thương mại và nhu cầu tín dụng vẫn còn rất lớn, thị trường lao động còn yếu.

Phiên hôm qua, thị trường tăng điểm ngay từ đầu phiên, đà tăng điểm được duy trì cho đến 2h chiều khi FED công bố khảo sát về tình hình kinh tế các vùng. Thị trường lo lắng khi FED nhận xét chưa mấy tích cực về thị trường lao động và bất động sản.

Báo cáo này khiến sự lạc quan của thị trường với báo cáo về lĩnh vực dịch vụ và việc làm được công bố trước đó giảm bớt. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên giảm 9 điểm.

Trước phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm 3 phiên liên tiếp vì thế đà tăng điểm chững lại cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. Các chỉ số đứng ở mức cao nhất tính từ giữa tháng 1/2010. Từ giữa tháng 1/2010, chỉ số S&P 500 bắt đầu khoảng thời gian giảm điểm, mức giảm 9% do lo ngại thị trường trước đó đã tăng điểm quá nóng so với triển vọng kinh tế thực.

Môt nguyên nhân khiến thị trường tăng điểm phiên hôm qua chính là thông tin về một loạt các vụ sáp nhập doanh nghiệp. Hoạt động này chỉ có thể sôi nổi khi doanh nghiệp lạc quan về hướng đi của nền kinh tế.

Báo cáo của FED công bố vào buổi chiều khiến thị trường lo lắng về khả năng đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại khi nhu cầu đối với các khoản vay còn yếu và thị trường lao động đương đầu nhiều khó khăn.

Ông Tom Samuels, chuyên gia quản lý quỹ tại Palantir Fund ở Houston, cho biết hiện ông không nhìn thấy đủ dấu hiệu cho thấy số liệu kinh tế đã phục hồi mạnh để khiến nhà đầu tư lạc quan vào đà phục hồi của nền kinh tế.

Một loạt các vụ mua bán & sáp nhập doanh nghiệp gần đây khiến thị trường hy vọng vào khả năng doanh nghiệp sẽ tăng chi tiêu. Tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG vào đầu tuần đồng ý bán bộ phận kinh doanh tại châu Á cho Prudential với giá 35,5 tỷ USD.

Ông Nick Kalivas, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu tài chính tại MF Global ở Chicago, cho biết thông tin về vụ mua bán & sáp nhập trấn an nhà đầu tư rằng cổ phiếu đang không bị định giá quá mức bởi các công ty vẫn sẵn sàng theo đuổi các thương vụ.

Cổ phiếu nhóm ngành y tế giảm điểm vào cuối phiên sau khi Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội thông qua gói cải tổ ngành y tế mới của ông sau khi điều chỉnh với ý kiến của một số Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa.

Chỉ số FTSE của thị trường Anh tăng 0,9%, chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 0,7%, chỉ số CAC-40 của thị trường Pháp tăng 0,8%, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật tăng 0,3%.

Ngọc Diệp
Theo Reuters, CNNMoney