Việt Nam - Myanmar kêu gọi không sử dụng vũ lực ở Biển Đông
(Dân trí) - Lãnh đạo hai nước cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26 – 28/10/2016. Chiều ngày 26/10/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã long trọng đón và hội đàm với Tổng thống Htin Kyaw.
Thúc đẩy 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Htin Kyaw bày tỏ cảm thông và chia sẻ với những mất mát, thiệt hại Việt Nam phải gánh chịu sau đợt mưa lũ ở miền Trung. Tổng thống Kyaw khẳng định Myanmar coi trọng và mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại - đầu tư lớn thứ 10 của Myanmar. Hai bên đang tích cực triển khai 12 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, cây công nghiệp, thuỷ sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai khoáng, sản xuất thiết bị điện, chế tạo và lắp ráp ô tô, xây dựng và hợp tác thương mại - đầu tư.
Hai bên cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại - đầu tư trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Tổng thống Htin Kyaw khẳng định Chính phủ Myanmar quan tâm và tạo điều kiện, nhất là đối với các lĩnh vực mang tính cầu nối, mở đường và tạo điều kiện cho các lĩnh vực hợp tác khác như ngân hàng, hàng không, viễn thông, khoáng sản và du lịch.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Htin Kyaw hoan nghênh sự kết nối ngày càng mạnh mẽ giữa hai nước trên các lĩnh vực như nông nghiệp, viễn thông, giao thông vận tải, tư pháp, văn hoá, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân và nhất trí sớm ký các thoả thuận nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên cam kết phối hợp cùng các nước ASEAN khác tăng cường hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, nhất là trong khuôn khổ Uỷ hội sông Mê Công quốc tế (MRC) và các tổ chức liên quan. Tổng thống Myanmar nhất trí xem xét việc Myanmar trở thành thành viên đầy đủ của MRC.
Tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh
Trong cuộc hội đàm, hai bên cũng chia sẻ quan điểm, lợi ích chung về hoà bình, an ninh khu vực và khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh giữa hai nước thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và nhất trí sớm thiết lập cơ chế “Đối thoại chính sách quốc phòng” cấp Thứ trưởng Quốc phòng, cơ chế “Nhóm làm việc chung” giữa Cục Đối ngoại của hai Bộ Quốc phòng, cũng như tổ chức kỳ họp Đối thoại An ninh lần thứ 4 trong thời gian tới; tích cực đàm phán và sớm ký Hiệp định Dẫn độ và Hiệp định về Chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, cũng như thương mại không bị cản trở trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự ủng hộ đối với việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng hợp tác nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cũng trong chiều 26/10, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi các hội nghị ngoại giao cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và WEF-Mekong, Tổng thống Htin Kyaw cho biết, Việt Nam hiện là nhà đầu tư thương mại lớn ở Myanmar với tổng giá trị đầu tư không ngừng được tăng lên.
Tổng thống Kyaw cũng cho hay, Myanmar hoan nghênh các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như thủy sản, trồng và chế biến cà phê, hồ tiêu, hạt điều ở Myanmar. Một số địa phương của Myanmar có điều kiện thời tiết rất thích hợp để trồng các loại cây này.
Theo tổng thống Kyaw, hai bên cũng cần đẩy mạnh hợp tác về du lịch, tăng lượng khách du lịch Việt Nam sang thăm Myamar, mở thêm đường bay thẳng của các hãng hàng không Việt Nam kết nối hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên cũng cần đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi.
Nam Hằng