70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Về miền đất rạng rỡ truyền thống Xô Viết anh hùng

(Dân trí) - Từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931 tới những ngày vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân, rồi đến ngày thống nhất non sông, giai đoạn nào người Can Lộc cũng ghi đậm dấu son trên trang sử vàng truyền thống. Nhiều tấm gương kiên cường, dũng cảm hi sinh, đưa cách mạng đến ngày toàn thắng.

Những cuộc tập dượt vĩ đại

Đầu thế kỷ 20, khi Hội Duy Tân do cụ Phan Bội Châu sáng lập ra đời, Can Lộc đã có song song hai phái Minh xã và Ám xã. Phái Minh xã do cụ Nghè Ngô Đức Kế, quê Trảo Nha cầm đầu, vận động con em xuất dương, du học sang Nhật tìm đường cứu nước. Phái Ám xã do hai ông Nguyễn Trang, Nguyễn Hét là con của các nghĩa quân nổi tiếng thời Cần Vương là Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, quê xã Gia Hanh cầm đầu, chủ trương diệt ác trừ gian.

 

pic-04-e1975

Cao trào Xô Viết năm 1930 ở Can Lộc, với tiếng trống vang rền thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đã thực sự giáng một đòn mạnh vào Đế quốc Pháp và đám tay sai tàn độc.

Những năm tiếp theo Can Lộc nổi danh với hơn 1.000 nông dân nghèo các tổng trong huyện rầm rộ tiến về tỉnh lị đòi giảm sưu cao thuế nặng. Giặc Pháp đàn áp dã man: Nguyễn Hàng Chi bị xử chém (1908), cụ Nghè Ngô Đức Kế và các ông Bùi Phiệt, Võ Tịnh bị chúng đày ra Côn Đảo.

Trước đó, các ông Nguyễn Trang, Nguyễn Hét bị chúng bêu đầu ở chợ Trổ.

Giặc càng đàn áp dã man thì ý chí người Can Lộc càng nung nấu. Các tổ chức cách mạng lần lượt ra đời. Từ Hội Phục Việt tới Tân Việt cùng gia nhập chung trong tổ chức Đảng Cộng sản để lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thân. Tới tháng 3/ 1930 tổ chức hội nghị của Tỉnh uỷ lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh được triệu tập tại Hữu Ngoại Can Lộc. Bắt đầu từ đây, địa bàn Can Lộc trở thành một căn cứ quan trọng của cơ quan Tỉnh uỷ, Xứ uỷ Trung Kỳ trong những năm 1930- 1931. Đảng bộ Can Lộc cũng trở thành nơi cung cấp nhiều cán bộ cho Tỉnh uỷ và Xứ ủy trong thời gian này.

Cao trào Xô Viết năm 1930 ở Can Lộc thực sự nổi bật với phong trào sục sôi toàn huyện. Chỉ tính riêng trong 8 tháng (từ tháng 4 đến tháng 12) toàn huyện đã có nhiều cuộc biểu tình của nông dân Can Lộc để lại dấu ấn lịch sử: 200 nông dân làng Đỉnh Lự trong ngày lễ Kỳ Phúc đã bao vây hào lý từ sáng đến chiều buộc chúng phải giao 32 mẫu công điền cho dân chia lại, hơn 1000 nông dân Hạ Can kéo lên huyện đường đưa yêu sách đòi Tri huyện phải giảm sưu thuế.

Lần thứ nhất, vào ngày đầu thu tháng tám (1/8/1930) Tri huyện nhận yêu sách rồi tìm kế trì hoãn. Lần thứ hai (7/9/1930), hơn 1.000 nông dân 5 tổng trong huyện lại kéo về bao vây huyện đường.

Tri huyện Trần Mạnh Đàn cùng bộ sậu phải theo cổng sau bỏ chạy. Hơn một tháng trời, huyện đường vắng teo. Chức dịch, nha lại, hào lý các tổng, các thôn, thứ bỏ trốn, thứ nằm im. Một tháng ấy, các Nông hội bộ, Tổng hội bộ, sau đổi thành Xô Viết xã, thôn giành quyền làm chủ. Nhân dân Can Lộc náo nức trong ngày hội cách mạng, bạo lực chính trị của những ngày biểu tình đã có tiếng vang rộng rãi.

Nhưng rồi giặc trở lại khủng bố ác liệt. Máu của người Can Lộc lại đổ. Các cuộc biểu tình sau đó, giặc tàn sát dã man. Từ người nữ anh hùng cầm cờ Phạm Thị Dung dẫn đầu trong cuộc biểu tình của hơn 1.000 người dân Can Lộc ngày 7/11/1930 tới 42 người đã ngã xuống dưới làn đạn địch của cuộc biểu tình 22/12/1930 tại ngã ba Nghèn. Máu đào Can Lộc đã rỏ xuống đất này. Từ tấm gương hi sinh của Bí Thư Tỉnh uỷ đầu tiên Nguyễn Hữu Thiều, Xứ uỷ viên Hồ Ngọc Tàng và các liệt sỹ Võ Quê, Trần Đoá cùng nhiều người con ưu tú khác của Can Lộc càng khắc sâu thêm mối thù giặc Pháp và bè lũ bán nước Nam Triều.

Đỉnh cao chí khí Can Lộc

Giặc càng khủng bố khốc liệt thì tinh thần cách mạng của người Can Lộc càng được nung nấu, rèn giũa. Bài học bạo động chính trị của phong trào Xô Viết 1930-1931 với những thành công, thất bại là học phí trả bằng máu để Can Lộc bước tiếp vào cách mạng tháng 8 năm 1945.

Về miền đất rạng rỡ truyền thống Xô Viết anh hùng - 2

Đài tưởng niệm các lực lượng Can Lộc vùng lên dành chính quyền trong Cách mạng tháng 8/1945.

Lịch sử Đảng bộ huyện Can Lộc, chép sự kiện này khá rõ: Trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1845 Phân khu Việt Minh Nam Hà họp tại Nhượng Bạn Cẩm Xuyên, bàn kế hoạch khởi nghĩa, bầu UB khởi nghĩa và phát lệnh khởi nghĩa. Ngày 16 tháng 8 Ban lãnh đạo Việt Minh Can Lộc họp truyền đạt chủ trương tại Ốc Khê thì chiều cùng ngày 20 Thanh niên Cứu Quốc đã xông vào huyện đường treo cờ đỏ sao vàng, buộc Tri huyện Đặng Doãn phải giao nộp sổ sách, ấn tín. Ngày 17 tháng 8  năm 1945 tổ chức mít tinh toàn huyện tuyên bố lập chính quyền mới. Và như vậy, Can Lộc là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh giành chính quyền về tay nhân dân.

Từ bài học máu xương của những năm 1930-1931, tới việc giành chính quyền về tay nhân dân đầu tiên của Hà Tĩnh, Can Lộc càng vững tin cho chặng tiếp theo. Từ sự hi sinh của liệt nữ Phạm Thị Dung tới tấm gương 10 cô gái TNXP tại ngã ba Đồng Lộc đã dựng nên những tượng đài chiến thắng  của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nơi đây. Từ Ngã ba Nghèn tới Ngã ba Đồng Lộc là chặng đường tiếp nối của tinh thần dũng cảm hi sinh, quyết tâm bảo vệ đất nước, quê hương. Là cung đường máu xương mà người Can Lộc đã đổi để lấy độc lập tự do.

Chặng đường ấy đang được người Can Lộc hôm nay tiếp nối. Xưa người nông dân Can Lộc đã đổ máu để giành chính quyền về tay giai cấp cần lao thì nay việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và chú trọng đến người nông dân chính là nỗ lực cao nhất của Đảng bộ.

Đã 85 năm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, 70 năm ngày thành lập nước, những người trực tiếp tham gia vào những mốc son cách mạng ngày ấy nay hầu hết đã không còn, nhưng di sản cách mạng của lớp người đi trước thì mãi mãi là to lớn.

Hãy còn đó dấu người xưa trên những di tích Quốc gia mà người dân Can Lộc hôm nay đang hàng ngày chiêm ngưỡng. Lịch sử đang nhắc nhở lớp trẻ hôm nay hãy làm thêm những điều tốt đẹp cho cuộc đời này, phải để lại cho thế hệ sau nhưng di sản tốt đẹp, xứng với truyền thống cha ông.  Bởi Can Lộc hôm nay lại sẽ là lịch sử của Can Lộc mai sau.

Trần Đắc Túc