Đà Nẵng:
Ứng viên đại biểu Quốc hội hứa gì với cử tri nếu được tín nhiệm bầu cử?
(Dân trí) - Sáng nay 5/5, các ứng viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV tại Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc với 450 cử tri quận Hải Châu, quận trung tâm thành phố Đà Nẵng. Tại đây, các ứng viên đã công bố chương trình hành động nếu được tín nhiệm bầu cử là đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Ứng viên chia sẻ kế hoạch hành động
Ứng viên Võ Thị Như Hoa (Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng) chia sẻ nếu được tín nhiệm, với tư cách là một đại biểu nữ và vị trí công tác cũng tại Sở Tư pháp Đà Nẵng, sẽ kiến nghị Quốc hội có những chính sách cho đối tượng phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo; kiến nghị lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong các chính sách; tuyên truyền, phổ biển kiến thức pháp luật đến phụ nữ, nhất là phụ nữ là người lao động nghèo, ở vùng nông thôn giúp họ có thể ứng dụng những hiểu biết về luật, đảm bảo quyền lợi của một công dân nữ và có cuộc sống tốt hơn.
Ứng viên Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương) chia sẻ qua quan sát với tư cách là ĐBQH 3 nhiệm kỳ trước, nhận thấy trong thực tế có nhiều vấn đề cử tri quan tâm sau khi đã có kết luận tại Quốc hội rồi chưa được giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện. Nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XIV, ông Huynh chia sẻ sẽ có kiến nghị đổi mới phương thức giám sát.
Ông Đinh Thế Huynh đặc biệt nhấn mạnh nỗ lực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm xã hội... Đối với Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh chia sẻ nhiều ý kiến của nhiều đối tượng mà ông được tiếp xúc công nhận Đà Nẵng là một hình mẫu của một đô thị phát triển. Nếu được tín nhiệm, ứng viên Đinh Thế Huynh hứa sẽ góp phần xây dựng một thành phố Đà Nẵng “thương hiệu” "5 không, 3 có và 4 an” (Không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của; Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị; An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội).
Ứng viên Nguyễn Bá Sơn (Chánh Thanh tra thành phố Đà Nẵng) cho biết, nếu được tín nhiệm ứng cử ĐBQH khóa XIV, sẽ lắng nghe ý kiến của cử tri, góp ý xây dựng luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đặc biệt, góp phần đưa ý kiến của cử tri đóng góp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng.
Ứng viên Lê Thị Minh Thảo (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước) chia sẻ, là một người trẻ, song với công việc hiện tại thường xuyên tiếp xúc với hàng ngàn người lao động, ứng viên được lắng nghe nhiều ý kiến bức xúc, cũng như những khó khăn trong đời sống hàng ngày của người lao động.
Nếu được bầu là ĐBQH, ứng viên Thảo hứa sẻ hiện thực hóa ước mơ được làm cầu nối giữa cử tri và Quốc hội, đưa những ý kiến chính đáng của nhân dân đến Quốc hội; đồng thời, giám sát để đảm bảo những kiến nghị của người dân được thành hiện thực. Ứng viên Thảo cũng đặc biệt chia sẻ ước mơ phát triển nghề cá, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển mưu sinh, góp phần phát triển kinh tế đất nước, và quan trọng hơn nữa là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cử tri: "Sẽ dõi theo Quốc hội"
Lắng nghe và kỳ vọng vào kế hoạch hành động của các ứng viên ĐBQH khóa XIV tại Đà Nẵng, ông Đặng Vân (60 tuổi, cử tri phường Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) chia sẻ, "sẽ dõi theo Quốc hội". Ông Vân nói: “Qua theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, tôi thấy hầu như các ý kiến, nguyện vọng của cử tri, các ĐBQH đều nắm được. Nhưng phải để đến cuối nhiệm kỳ, các ĐBQH mới nói ra. Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XIV là một Quốc hội hành động, góp phần phát triển và bảo vệ Tổ quốc thông qua việc giải quyết triệt để những bức xúc chính đáng của nhân dân".
Ông Đặng Vân, cử tri Đà Nẵng: "Tôi sẽ ráng sống thêm 5-10 năm nữa để dõi theo Quốc hội".
Quan tâm đến những vấn đề thực tiễn ở Đà Nẵng, ông Phạm Quang Vịnh (cử tri phường Thạch Thang) kiến nghị Trung ương cần có cơ chế chính sách đặc thù cho Đà Nẵng để thành phố chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cử tri Lê Thị Thành Hương nhấn mạnh ý kiến Đà Nẵng có một vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội cũng như an ninh quốc phòng; bày tỏ kỳ vọng Quốc hội khóa tới quan tâm đến vấn đề này.
Ông Đặng Đông (cử tri quận Hải Châu) thẳng thắn chia sẻ: “Theo tôi thấy, nhiều đại biểu từng trúng cử gần như chưa bao giờ thấy đi họp tổ dân phố”. Ông Đông cho rằng không chỉ trong các cuộc họp lớn, mà ĐBQH cần quan tâm những buổi họp đi sâu đi sát vào lòng dân như là họp tổ dân phố để lắng nghe ý kiến của người dân, đưa ý nguyện của nhân dân đến nghị trường Quốc hội.
Ghi nhận ý kiến của cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng), ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - đại diện nhóm ứng viên ĐBQH thuộc đơn vị bầu cử số 1 tại Đà Nẵng bày tỏ trân trọng và lưu tâm những ý kiến mà cử tri gửi gắm, tập trung vào các vấn đề mà cử tri kỳ vọng ở ĐBQH: Không chỉ gặp dân ở các buổi tiếp xúc cử tri mà phải gắn bó với đời sống thường ngày của người dân, thấy được cái khổ của dân, giữa lời hứa với dân; Bằng mọi điều kiện, mọi khả năng góp phần bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển đảo, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa, tư thế, cốt cách và nét đẹp tâm hồn dân tộc; Đẩy lùi nạn tham nhũng, sửa đổi luật tham nhũng, có sự trừng trị nghiêm minh để không ai dám tham nhũng, đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức lối sống để nâng cao nhận thức quyết không “thò tay” vào nạn tham nhũng; Bảo vệ môi trường sống, môi trường xã hội, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; Kiến nghị có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Đà Nẵng.
Khánh Hiền