Chính phủ giảm 5 bộ, thành lập thêm một bộ mới

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo phương án sắp xếp tổ chức bộ máy vừa được Trung ương thống nhất, bộ máy Chính phủ được tinh gọn từ 30 xuống còn 22 đầu mối, gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Bộ máy Chính phủ đương nhiệm hiện gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Cụ thể, các bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

8 cơ quan trực thuộc Chính phủ bao gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ giảm 5 bộ, thành lập thêm một bộ mới - 1

Trụ sở Chính phủ (Ảnh: Hoài Vũ).

Theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vừa được Trung ương thống nhất, bộ máy Chính phủ được tinh gọn từ 30 đầu mối xuống còn 22, gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ. 

Với phương án này, bộ máy Chính phủ sẽ giảm 5 bộ ngành và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Cùng với việc hợp nhất nhiều bộ, Chính phủ không duy trì mô hình tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành với việc giảm 13/13 tổng cục và tương đương, 519 cục và tổ chức tương đương, 219 vụ và tổ chức tương đương, 3.303 chi cục và tương đương.

Sau quyết định "10 bộ hợp nhất thành 5", số lượng bộ trưởng cũng sẽ giảm 5 người. Bên cạnh đó, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ giảm 3 người. Với việc không còn cấp tổng cục và cục cũng sẽ giảm 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và gần 3.303 chi cục trưởng…

Với cấp phó của người đứng đầu các bộ ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, trước đó Chính phủ yêu cầu tập thể lãnh đạo quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu ở đơn vị mới sau khi sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.

Trước mắt, Chính phủ cho phép sau khi sắp xếp, số lượng cấp phó được cao hơn quy định. Bộ, ngành phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định chung trong thời hạn 5 năm.

Ngày 24/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành kết luận của Ban Chấp hành Trung ương tổng kết Nghị quyết số 18 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Trung ương quyết định hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thành Bộ Tài chính; hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng; hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ hợp nhất thành Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hợp nhất thành Bộ Nội vụ.

Trung ương cũng thống nhất phương án thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Cũng theo phương án vừa thông qua, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức lại hệ thống thanh tra trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan thanh tra địa phương, thanh tra chuyên ngành hiện nay.

Trung ương đồng ý chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện.

Dự kiến ngày 12/2, Quốc hội sẽ họp bất thường lần thứ 9 để xem xét, thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy.