“Tôi tin quan điểm của Việt Nam về Biển Đông sẽ được nêu tại Shangri-La”
(Dân trí) - “Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore từ ngày 3 - 5/6. Tôi tin rằng, quan điểm rõ ràng, nhất quán của Việt Nam về vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra như lâu nay”, ông Lê Hải Bình – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Ngày 2/6, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Việt Nam đã chuẩn bị những gì trong trường hợp tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện chủ quyền biển Đông của Philippines?
Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Chúng tôi mong muốn tòa trọng tài đưa ra phán quyết công bằng khách quan, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng nghĩa vụ pháp lý quốc tế được quy định trong công ước.
Ngày 26/5, vừa qua lãnh đạo các quốc gia G7 đã nhất trí cần gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến biển Đông. Xin ông cho biết, biết quan điểm của Việt Nam về tuyên bố này?
Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G7 về các cam kết đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Ngày mai (3/6), đối thoại Shangri-La sẽ được tổ chức tại Singapore. Xin ông cho biết, những vấn đề liên quan đến biển Đông mà Việt Nam sẽ đưa ra tại Đối thoại lần này là gì?
Theo tôi được biết, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La được tổ chức tại Singapore từ ngày 3 đến 5 tháng 6. Tôi tin rằng, quan điểm rõ ràng, nhất quán của Việt Nam về vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra như lâu nay.
Những ngày tới, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) -Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Xin ông cho biết, Hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
Theo tôi được biết cuộc họp lần thứ 12 các quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 6 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Trước đó, ngày 8 tháng 6 sẽ diễn ra cuộc họp của cấp đặc biệt của nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc lần thứ 17 về việc thực hiện DOC và tham vấn COC. Đây là cơ chế họp thường xuyên nhằm thúc đẩy việc thực hiện DOC và xây dựng COC.
Dư luận đang có ý kiến trái chiều về việc ông Bob Kerry làm Chủ tịch Đại học Fulbright tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao có bình luận gì về vấn đề này?
Những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không gì có thể bù đắp được. Hậu quả chiến tranh là vấn đề mà Chính phủ nhân dân Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực giải quyết. Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực hợp tác, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Như các bạn đã biết, một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại Việt Nam cũng đã có những đóng góp thiết thực trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, văn hóa, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh để thúc đẩy quan hệ hai nước và hàn gắn vết thương chiến tranh.
Với tinh thần đó, tôi cho rằng, phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn phù hợp với xu thế phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước.
Quang Phong (ghi)