Thủ tướng: Nhật Bản đã giúp Hội An trở thành cảng thị sầm uất của châu Á
(Dân trí) - “Người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên, đã có những đóng góp quan trọng đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà cho đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của một mô hình cảng thị hội nhập quốc tế ở vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần từ 23, diễn ra tại Tokyo - Nhật Bản, sáng 5/6.
Chủ đề của Hội nghị năm nay là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á”.
Điểm nhấn Hội An trong lòng châu Á
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về nhà kinh tế học người Anh, Adam Smith, người đã phát hiện ra chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia đó là “tự do tự nhiên”, được hiểu là tự do sản xuất và trao đổi hàng hóa theo nhu cầu tự nhiên, mở cửa thị trường trong nước cũng như quốc tế để cạnh tranh theo nguyên tắc tự do, công bằng. Theo Thủ tướng, đó chính là nền tảng quan trọng của toàn cầu hóa và trên thực tế tiến trình này đã diễn ra hàng trăm năm trước đó.
“Sự kiện hôm nay diễn ra tại Nhật Bản nhắc tôi nhớ lại từ khoảng thế kỷ 16, Hội An - một thương cảng nằm ở tỉnh Quảng Nam của Việt Nam - đã dần hình thành một trong những nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền ở châu Á.
Người Nhật Bản là những nhà kinh doanh quốc tế thuộc thế hệ đầu tiên đã có những đóng góp quan trọng, đưa Hội An tham gia vào hệ thống thương mại xuyên biên giới, trở thành nơi mà cho đến hôm nay vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của một mô hình cảng thị hội nhập quốc tế ở vào buổi sơ khai của nền thương mại toàn cầu” - Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng cho rằng, thực tế lịch sử cho thấy, dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ toàn cầu hóa thì đó vẫn là xu thế tất yếu. Trong nhiều thế kỷ qua, những hành trình ngược xuôi, những câu chuyện huyền thoại trên con đường tơ lụa lịch sử đã giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhìn nhận: Sự vươn lên của châu Á là sự vươn lên của tập hợp các quốc gia luôn hướng tới hội nhập quốc tế sâu sắc và mạnh mẽ. Singapore - nền kinh tế mở, năng động bậc nhất thế giới; Hàn Quốc - "kỳ tích sông Hàn” của châu Á và là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, một thành viên quan trọng của OECD. Hay Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với nhiều thập niên tăng trưởng ngoạn mục, đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức. Những diễn biến phức tạp về chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, các mối đe dọa khủng bố, các vụ thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên; những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ về an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không của tuyến đường biển quốc tế. Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người...
Đứng trước thách thức của châu Á, Thủ tướng đặt vấn đề và nêu ra 3 nhóm biện pháp, đó là: Duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc. Giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm. Tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế
“Giấc mơ” châu Á
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta vẫn thường nghe về “Giấc mơ Mỹ” hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng các "giấc mơ Miến Điện", "giấc mơ Lào, Campuchia" hay "giấc mơ Việt Nam"... còn ít được biết đến.
“Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển. Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân châu Á” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kiến tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò động lực của kinh tế tư nhân và khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu dựa trên năng suất lao động và năng lực sáng tạo của nền kinh tế.
Chính phủ kiến tạo mà Việt Nam đang xây dựng đồng nghĩa với lựa chọn cân bằng giữa các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế với việc quản lý sự khan hiếm về các dạng tài nguyên và tính bền vững của môi trường và đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phù hợp với thực tế đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng cho rằng, nhắc đến sự thần kỳ châu Á không thể không nhắc tới “sự thần kỳ Nhật Bản”. Không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực, Nhật Bản còn là tấm gương về văn hóa kỷ luật, kiên nhẫn và đức hy sinh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau hơn 4 thập niên, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được củng cố và trở thành đối tác chiến lược sâu rộng vào tháng 3/2014. Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, là đối tác lớn thứ 3 về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Hai nước xây dựng mối quan hệ ổn định, tin cậy thông qua các cuộc đối thoại, các cuộc tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao giữa hai nước.
“Tầm nhìn sẽ quyết định phương thức chúng ta tư duy, cách thức chúng ta hành động tại thời điểm hiện tại. Tôi mong rằng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi người dân châu Á hãy cùng chung tay hành động vì một châu Á hòa bình và thịnh vượng” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh