Ràng buộc trách nhiệm nêu gương cao nhất với Ủy viên Bộ Chính trị
(Dân trí) - Đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên sẽ trình Hội nghị TƯ 8 diễn ra đầu tuần tới được gửi gắm kỳ vọng rất lớn. Trung ương muốn làm sao sớm ban hành được quy định này để trước hết “trách nhiệm nêu gương phải được xác định như yêu cầu đầu tiên với các Ủy viên Bộ Chính trị”…
Tại cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo TƯ sáng nay, 28/9, theo thông tin do Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Bùi Trường Giang cung cấp, Hội nghị Trung ương 8 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6/10, với nhiều nội dung, đề án quan trọng trình Ban chấp hành TƯ xem xét quyết định như: Thông qua báo cáo tình hình kinh tế -xã hội và ngân sách 2018, kế hoạch và dự toán 2019; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 để có những điều chỉnh, bổ sung cho thời gian tới; đề án về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ 13 của Đảng…
Giới thiệu nội dung cơ bản của đề án trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, Phó vụ trưởng Vụ Bồi dưỡng và đào tạo, Ban Tổ chức TƯ Vũ Thanh Sơn cho biết, nội dung này đã được chuẩn bị qua nhiều khâu, tổ chức tham vấn, hội thảo, xin ý kiến nhiều đối tượng, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ông Sơn nêu nguyên lý chung của dự thảo quy định là nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương tới nhóm đối tượng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và các Ủy viên Trung ương đảng.
“Quy định khá ngắn gọn, chỉ hơn 3 trang giấy, với 4 điều. Nguyên tắc đề ra là cán bộ càng cao càng phải gương mẫu” – ông Sơn khái quát.
Điều 1 của dự thảo quy định là những nguyên lý chung nhất, như tuân thủ cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, được áp dụng chung cho đảng viên. Điều 2 và 3 là nhóm các quy định theo cấu trúc có xây có chống, xây trước chống sau, nhấn mạnh tới nhóm đảng viên cấp cao. Ở đây có 9 điểm cơ bản liên quan đến mối quan hệ đảng viên đó với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chức trách nhiệm vụ, với gia đình.
“Về phần chống, tinh thần chung là từng đảng viên cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân mình và cương quyết chống. Tức cương quyết không làm những điều sai trái được liệt kê, và nếu thấy người khác làm thì phải cương quyết chống lại” - ông Sơn tóm tắt.
Điều 4 của quy định này là về tổ chức thực hiện.
Liên quan đến vấn đề này, từ năm 2012, Ban Bí thư đã ban hành Quy định 101 “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Đây là quy định chung, nên theo ông Sơn vẫn tiếp tục có hiệu lực.
Về chế tài để đảm bảo thực thi trách nhiệm nêu gương của đảng viên cao cấp, theo ông Sơn vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, chẳng hạn như Quy định 102 của Bộ Chính trị ban hành năm 2017.
Ông Vũ Thanh Sơn nói thêm, đề án được gửi gắm kỳ vọng rất lớn. Trung ương muốn làm sao để sớm ban hành được quy định này để trước hết “trách nhiệm nêu gương phải được xác định như yêu cầu đầu tiên với các Ủy viên Bộ Chính trị”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Bùi Trường Giang chủ trì cuộc họp báo
Về những điểm mới trong hoạt động của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương từ sau Đại hội XII tới nay, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang nhấn mạnh thêm một số nét mới gắn với công khai. Một số quyết nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến thi hành kỷ luật đảng viên cấp cao đã được thông báo sớm cho báo chí đưa tin. Hai Hội nghị Trung ương gần đây đã mở cho một số cơ quan thông tấn lớn của nhà nước vào dự, đưa tin, đồng thời mỗi ngày họp có phát ra thông cáo báo chí ngắn gọn về nội dung làm việc trong ngày.
Đến Hội nghị Trung ương 8 lần này, Ban Tuyên giáo Trung ương – cơ quan chịu trách nhiệm về công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng lần đầu tiên tổ chức họp báo giới thiệu chương trình hội nghị. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương cho biết, sau khi Hội nghị Trung ương kết thúc, Ban sẽ tiếp tục họp báo để giới thiệu kết quả hội nghị.
P.Thảo