Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9:

Quốc khánh trên quê hương Bác Hồ

(Dân trí) - Tròn 71 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, hôm nay cuộc sống của mỗi người dân đất Việt đã ấm no, hạnh phúc. Hòa chung trong không khí hân hoan, vui tươi của ngày Tết Độc lập của cả dân tộc, nhiều người dân mọi miền Tổ quốc vượt hàng nghìn, hàng trăm km, hành hương về quê Bác (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) tưởng nhớ và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày Tết Độc lập.

Học sinh Trường THCS Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) báo công với Bác Hồ. (Ảnh: Hoàng Lam)
Học sinh Trường THCS Ba Đình (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) báo công với Bác Hồ. (Ảnh: Hoàng Lam)

Năm nay, kỷ niệm 47 năm ngày giỗ của Người gần với ngày Quốc khánh 2/9, nhiều người dân về đây để được cảm nhận rõ hơn về tuổi thơ, về quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Có người mới chỉ đến đây lần đầu, có người đến nhiều lần nhưng chung hết vẫn là khoảnh khắc thiêng liêng, cảm xúc rưng rưng, lòng biết ơn vô hạn với Bác khi được thắp nén tâm nhang trước anh linh Người.

“Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, chúng tôi là những cựu chiến binh hành hương về thăm quê Bác để học tập, noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó giáo dục con cháu noi theo”, ông Đinh Văn Lẫy, tỉnh Bắc Giang cho biết.

Một cách thể hiện tình cảm khác mà ông Trần Đình Liên ở xóm Liên Hồng 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, cũng như nhiều người dân Kim Liên thường làm vào ngày giỗ hàng năm của Bác và ngày Quốc khánh 2/9, đó là chọn thứ quả tươi nhất trong vườn nhà để dâng lên Người. Không quá cầu kỳ nhưng ông Liên luôn tâm niệm, mâm cỗ dâng Người trong những ngày này phải thật đầy đủ. Bên cạnh bàn thờ gia tiên, gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác ở Kim Liên luôn dành một vị trí trang trọng để lập bàn thờ riêng thờ Bác. Ngày giỗ Bác và ngày Quốc khánh 2/9, mỗi gia đình, mỗi người dân nơi đây đã chọn cho mình những cách thể hiện khác nhau nhưng trên tất cả đó chính là tấm lòng thành kính, tri ân với Bác.

“Năm nào gia đình tôi cũng có lễ vật dâng lên Bác với tất cả lòng thành kính. Chúng tôi luôn nhắc nhở các con cháu của mình nhớ tới công ơn của Bác Hồ”, ông Trần Đình Liên bày tỏ.

Bằng tình cảm của mình, mỗi người về quê Bác cũng đều muốn nâng niu những kỷ vật về Bác, người thì chọn cuốn sách, người chọn bức chân dung, người mua tượng Bác làm kỷ niệm. Đối với du khách, mỗi kỷ vật từ quê hương Bác cho họ cảm giác như được ở gần hơn với Bác.

47 năm Bác Hồ ra đi cũng là chừng ấy thời gian mỗi người con đất Việt luôn tưởng nhớ và biết ơn vô hạn với những gì mà Người đã dành cho non sông, đất nước. Tấm lòng và tình cảm của Bác đã thấm sâu vào tâm thức của mỗi người dân và nhiều nơi trên thế giới, trở thành truyền thống đạo lý, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn như sinh thời Người hằng mong muốn.

“Với tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng năm các đoàn khách lại hành hương về thăm quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng thành kính và tri ân đối với lãnh tụ kính yêu. Chúng tôi là những người bảo vệ những di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm để xây dựng những kế hoạch, phương án để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho du khách đến tham quan để thể hiện tình cảm của mình đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời bố trí người thuyết minh để giới thiệu cho du khách hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen, khu mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là điểm đến hấp dẫn, là tình cảm thiêng liêng của đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè thế giới”, ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, khẳng định.

Mỗi người dân về quê Bác trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 là để tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tiếp thêm động lực, tinh thần và trách nhiệm, tiếp tục học tập và làm theo tư tương, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bích Huệ
TTXVN