Nhiều cơ quan Nhà nước không tự nguyện thi hành án
10 tháng năm 2017, số vụ việc thi hành án hành chính đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016, còn 113 việc (chiếm 43,23%) chưa thi hành được. Dư luận xã hội đang lo lắng, băn khoăn về tính nghiêm minh của kỷ cương phép nước bởi cơ quan Nhà nước phải là tổ chức cần phải nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi và chấp hành pháp luật.
Nhận thức của một số cơ quan Nhà nước còn chưa đầy đủ
Kể từ khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua, vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân đã có nhiều thay đổi. Trong bộ máy nhà nước, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, đồng thời là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Như vậy, các Tòa án địa phương không còn được quan niệm như một cơ quan sở, ban, ngành địa phương như trước đây.
Thực hiện nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cũng như bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước nguy cơ từ những vi phạm, sai sót của cơ quan công quyền, Quốc hội đã thông qua Luật tố tụng hành chính năm 2010 và năm 2015 cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan công quyền nếu có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi đó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Đất nước ta đang đẩy mạnh hoàn thiện nhà nước pháp quyền, kiến tạo phát triển và tập trung nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Yêu cầu đó đang đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động chặt chẽ trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Pháp luật phải được thượng tôn, mọi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.
Tuy nhiên, hiện tượng tồn đọng án hành chính trong những năm qua cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật của một số cơ quan Nhà nước còn chưa nghiêm, gây ra nhiều băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội.
Nhiều cơ quan Nhà nước không tự nguyện thi hành án
Theo thống kê, số thụ lý các vụ án hành chính 10 tháng năm 2017 tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó gần 75% liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Tòa án nhân dân đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự các địa phương 746 bản án, quyết định về vụ án hành chính, trong đó có 262 việc thuộc trách nhiệm theo dõi của các cơ quan thi hành án dân sự.
Theo quy định, sau khi bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật, các bên đương sự, các cơ quan Nhà nước phải thi hành bản án theo cơ chế khá đặc biệt, đó là “tự thi hành”.
Để khuyến khích ý thức chấp hành pháp luật, Điều 311 Bộ luật tố tụng hành chính năm 2015 dành cho bên phải thi hành án có một khoảng thời gian tự nguyện thi hành án. Nếu quá hạn quy định này thì người được thi hành án có quyền gửi đơn đến Tòa án để ra quyết định buộc thi hành bản án. Điều đáng nói là trong 10 tháng năm 2017, các Tòa án đã phải ban hành Quyết định buộc thi hành án trong 53 vụ việc đối với các cơ quan Nhà nước.
Để nâng cao hiệu lực của quyết định buộc thi hành án hành chính, Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm tổ chức công khai đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các Chi cục trực thuộc; đồng thời tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo người phải thi hành án nghiêm chỉnh chấp hành quyết định buộc thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có văn bản chỉ đạo về việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu của cơ quan Nhà nước là người phải thi hành án.
Trong trường hợp này, các cơ quan thi hành án dân sự cũng có thẩm quyền ban hành văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với cơ quan Nhà nước không chấp hành bản án.
Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trong đó xác định các nhóm hành vi vi phạm trong chấp hành án hành chính cùng các hình thức xử lý kỷ luật tương xứng. 10 tháng năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự cũng đã có văn bản kiến nghị xem xét đối với 14 trường hợp có nghĩa vụ chấp hành án.
Tuy nhiên, đến nay, các vụ việc nêu trên vẫn đang trong quá trình được các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trên của người phải thi hành án xem xét. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành bản án, quyết định của một số cơ quan Nhà nước chưa nghiêm. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Luật Tố tụng hành chính nói chung, các quy định về thi hành bản án, quyết định hành chính nói riêng đến các cơ quan Nhà nước còn chưa đi vào chiều sâu.
Người đứng đầu cơ quan Nhà nước là bên phải thi hành còn chưa nhận thức đầy đủ, thiếu kiên quyết, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong quá trình chấp hành án. Pháp luật về thi hành án hành chính còn thiếu cơ chế đủ mạnh và khả thi. Ngoài ra, dư luận xã hội cũng còn chưa lên án mạnh mẽ, nghiêm khắc đủ để buộc các cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm phán quyết của Tòa án.
Trong thời gian tới, cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi bản án, quyết định thi hành án hành chính cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan Nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính.
Thi hành án hành chính là hoạt động mang tính chất khá “nhạy cảm” trong quan hệ với chính quyền nên các cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm, đặc biệt là trong những trường hợp người phải thi hành án là các cơ quan Nhà nước không đồng tình với phán quyết của Tòa án với lý do phán quyết của Tòa án không bảo đảm tính khả thi trên thực tế hoặc không thuyết phục.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các cơ quan thi hành án dân sự cũng còn chưa triển khai triệt để, hiệu quả quyền năng của mình, điển hình như thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với các vụ việc thi hành án hành chính mà người phải thi hành án là Chủ tịch UBND tỉnh, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trung ương.
Trước mắt, năm 2017, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương tập trung rà soát cụ thể 113 vụ việc thi hành án hành chính chưa thi hành xong, làm rõ địa chỉ, nguyên nhân, trách nhiệm đối với các trường hợp chậm trễ, chấp hành không đúng, không đầy đủ hoặc không chấp hành án, đồng thời đề xuất Chính phủ yêu cầu các cơ quan Nhà nước tiếp tục có biện pháp chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành bản án, quyết định hành chính, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Nguyễn Xuân Tùng