Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son:
Nhân sự được rút hay không là do Đại hội quyết định
(Dân trí) - “Một đồng chí là Ủy viên Ban chấp hành của khóa cũ không được Ban chấp hành khóa cũ giới thiệu để trình Đại hội, tức là không có danh sách giới thiệu mà được Đại hội giới thiệu thì đồng chí đó cũng phải xin rút… Còn quyết định được rút hay không rút sẽ do Đại hội quyết định”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói.
Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Quy chế bầu cử tại Đại hội Đảng lần thứ XII nhằm phát huy dân chủ, đổi mới, chọn được các nhân sự đủ đức, tài để tham gia vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới. Điều đó được thể hiện trong các quy định của Đảng thông qua Quy chế 244 được Ban chấp hành Trung ương khóa XI thông qua và được Đại hội chấp nhận.
“Quy chế 244 được thực hiện từ Ban chấp hành Trung ương trở xuống. Quy chế này đã được thực hiện trong quá trình Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc và Hội nghị Ban chấp hành Trung ương thời gian qua”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
“Quyết định cao nhất là của Đại hội”
Quy chế bầu cử vừa được Đại hội thông qua tại phiên họp trù bị có nêu: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI nếu không nằm trong danh sách tái cử sẽ không được ứng cử, đề cử và nhận đề cử. Nhưng những đại biểu còn lại của Đại hội khóa XII vẫn có quyền đề cử nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Trong chương trình chính thức, có mục đề cử, ứng cử đó là quyền dân chủ của mọi người. Tức mỗi người có quyền đề cử, ứng cử, nhưng những quyền đó lại được thực hiện theo quy chế bầu cử vừa được thông qua.
Theo quy chế này, các đảng viên về dự Đại hội đều được thể hiện quyền dân chủ.
Cùng với đó, Quy chế này cũng ghi rõ, những đồng chí là cấp ủy viên của cấp ủy nào mà không được cấp ủy đó giới thiệu thì đồng chí đó không ứng cử và không được nhận đề cử. Nhưng khi ra Đại hội, Đại hội có quyền quyết định.
Quyết định cao nhất là của Đại hội. Đó là quy định rất dân chủ, tuân theo các quy định của Đảng để đảm bảo dân chủ, tập trung.
Như vậy có thể hiểu, quyết định được rút hay không rút phải do Đại hội quyết định?
Ví dụ, đồng chí A là ủy viên Ban chấp hành của khóa cũ không được Ban chấp hành khóa cũ giới thiệu để trình Đại hội, tức là không có danh sách giới thiệu mà được Đại hội giới thiệu thì đồng chí đó cũng phải xin rút vì phải chấp hành Nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành khóa cũ và chấp hành Quy chế bầu cử vừa được thông qua. Còn quyết định được rút hay không rút sẽ là do Đại hội quyết định.
Như vậy là sẽ bảo đảm dân chủ nhất và chúng ta có điều kiện để thực hiện tất cả các quy chế, quy định của Đảng vì Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng, quy định của Ban chấp hành Trung ương, quy định của Đại hội là những quy định chung mà mọi người, các ủy viên viên Trung ương, đặc biệt là đại biểu dự Đại hội phải tuân thủ.
Trong diễn văn của Tổng Bí thư có nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là theo Nghị quyết Trung ương 4, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc này là rất quan trọng, tổng hợp cả báo cáo chính trị và tình hình kinh tế xã hội. Trong đó, báo cáo đã nêu lên nhiều thách thức, nhiều thành công trong nhiệm kỳ vừa qua và cũng đưa ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Đặc biệt, Tổng Bí thư có nhấn mạnh chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Đó luôn luôn là một nhiệm vụ rất quan trọng để bảo đảm cho Đảng ta luôn luôn trọng sạch vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn xã hội. Chúng tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành khoá XII, chúng ta sẽ làm việc tốt để góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh xứng đáng với điều nhân dân ta vẫn gọi: Đó là “Đảng ta”.
Càng gần đến ngày diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thì trên một số trang mạng xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đảng, Nhà nước ta. Có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng phải công khai, minh bạch hơn nữa, đưa thông tin chính thống kịp thời hơn nữa để đẩy lùi những loại thông tin như vậy?
Không chỉ ở kỳ Đại hội này mà trước tất cả các kỳ đại hội và các hoạt động chính trị lớn của nước ta, bên cạnh việc hưởng ứng đồng tình của nhân dân cả nước, góp phần cho sự thành công chung…, không tránh khỏi có những hoạt động của các thế lực thù địch gia tăng chống phá.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một số hoạt động tuyên truyền thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng như trong đời sống xã hội, nhằm kích động chia rẽ nội bộ chúng ta, phá hoại sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Các cơ quan thông tấn báo chí của chúng ta đã kịp thời có tiếng nói đanh thép để phản bác những luận điệu sai trái đó, góp phần tuyên truyền, động viên và tạo sức đề kháng cho nhân dân chống lại các luận điệu đó.
Trước đây, chúng ta thấy rằng các thế lực thù địch đã đưa ra các trang mạng như quanlambao, danlambao và một thời điểm cũng có những ảnh hưởng nhất định. Nhưng sau đó, công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta đã làm thất bại những ý đồ đó.
Bây giờ các hoạt động chống phá đã chuyển sang những “phương tiện” mới và có thể sẽ có những phương thức mới. Có thể trước mắt, một số người truy cập vào. Nhưng tôi tin rằng sau đó, người ta sẽ bỏ qua, không truy cập vào những trang này. Các cơ quan truyền thông báo chí cần tiếp tục góp phần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái.
Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cũng phải thực hiện tốt quy chế cung cấp thông tin và người phát ngôn để kịp thời thông tin một cách chính thống, nhanh nhất những thông tin của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và hoạt động chính trị của các địa phương. Dùng thông tin chính thống đẩy lùi các thông tin tiêu cực. Dùng thông tin tốt đẩy lùi các thông tin xấu để những thông tin xấu không còn chỗ sống trong môi trường của chúng ta.
Phúc Hưng - Anh Thế (ghi)