Người nước ngoài có được lập tổ chức tôn giáo?
(Dân trí) - Vấn đề này được đặt ra tại phiên thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách khai mạc sáng nay, 8/9.
Báo cáo tiếp thu dự thảo luật của UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết, theo quy định tại dự thảo luật, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục – ông Phan Thanh Bình thông tin, khi thảo luận tại Quốc hội khoá 13, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và quy định cụ thể hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Cơ quan thẩm tra cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong chương quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Quy định này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, vẫn chưa trả lời được câu hỏi người nước ngoài có được thành lập tổ chức tôn giáo hay không.
Cũng góp ý về quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị quy định, người nước ngoài được giảng đạo ở Việt Nam nhưng cần nêu rõ là chỉ được thực hiện ở cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác chứ không phải ở bất cứ đâu.
Đại biểu Tám và một số vị đại biểu khác cũng góp ý cần quy định cấm hoạt động tôn giáo cản trở hoạt động công vụ vì trên thực tế đã có chuyện cản trở xảy ra.
Về vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, UB Văn hoá, Giáo dục cho biết, quá trình thảo luận từ UB Thường vụ Quốc hội đến Quốc hội khoá XIII, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo.
Trước hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại dự thảo luật, điều chỉnh các thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng luật.
Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo. Dự thảo Luật cũng quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền được từ chối đăng ký, đề nghị của tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo, minh bạch hoá các thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý...
Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo, báo cáo của uỷ ban thẩm tra nêu rõ.
Khía cạnh khác về công tác quản lý, hiện tại Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng và chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị nên để Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo. Hiện nay cơ quan quản lý tôn giáo nằm ở Bộ Nội vụ nhưng lại độc lập hoàn toàn với Bộ này, do một cán bộ chuyên trách của Bộ Công an biệt phái sang nắm giữ nên khi làm việc thì hỏi Bộ trưởng thì Bộ trưởng bảo không nắm được lĩnh vực này.
Ông Lợi nhận định, nên quy định Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, không có bộ nào khác làm tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có vị đại biểu ý kiến cho rằng cần phải có một cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.
P.Thảo