"Ngân sách là đồng tiền bát gạo của dân, phải quản lý chặt chẽ"

(Dân trí) - Trình dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi) trước UB Thường vụ Quốc hội sáng 20/9, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “ngân sách là đồng tiền bát gạo của dân, phải được quản lý chặt chẽ”.

Đề xuất nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên mức 35.000 tỷ

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người thay mặt Chính phủ trình luật
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người thay mặt Chính phủ trình luật

Trình dự thảo luật trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu tư công là luật mới có hiệu lực hơn 3 năm nhưng trong quá trình triển khai thực hiện luật và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc.

Một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định đã không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Điển hình là trong công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, tồn tại nhiều bất cập trong điều chỉnh dự án, điều chỉnh kế hoạch... Bộ trưởng Dũng trình bày.

Ông Dũng cũng cho biết 18 nhóm vấn đề chính sách được Chính phủ xác định trong lần sửa đổi này.

Theo đó, ở nội dung sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến khái niệm và giải thích từ ngữ thì quan trọng nhất là khái niệm về vốn đầu tư công được sửa đổi theo hướng 2 nguồn vốn, trong cân đối ngân sách và ngoài cân đối ngân sách, qua đó, giảm bớt các thủ tục đối với các nguồn vốn.

Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng, phù hợp với quy định trước đây tại nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về quy mô dự án.

Chính phủ cũng muốn sửa đổi quy định liên quan đến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo hướng phân cấp, do người đứng đầu cơ quan trung ương và chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm điều chỉnh, đảm bảo đúng quy định pháp luật, báo cáo lại Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát.

Thẩm tra dự án luật, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, Dự thảo Luật có nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Qua rà soát cho thấy, trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn như: về các trường hợp điều chỉnh làm tăng tổng mức đầu tư ; thẩm định dự án; thẩm quyền quyết định dự án đặc biệt; thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án…

Điều này một mặt không phù hợp thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Do đó, đề nghị Chính phủ quy định chi tiết tối đa các điều, khoản trong Dự thảo Luật, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền hướng dẫn, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định trình kèm Dự thảo Luật.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, một trong những yêu cầu quan trọng trong lần sửa đổi này là phải cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đối chiếu với dự thảo luật cho thấy, còn nhiều thủ tục chưa được đơn giản hóa, thậm chí một số quy trình, thủ tục còn phức tạp hơn như quy trình xử lý nguồn vốn ODA; quy trình thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm...

Sửa nữa sợ còn… rối hơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị chỉ sửa những gì thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động, đảm bảo đủ chín.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị chỉ sửa những gì thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động, đảm bảo đủ chín.

Tham gia ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Luật Đầu tư công mới thực hiện có ba năm, từ dự định sửa đổi một số điều nay sửa đổi toàn diện, phạm vi điều chỉnh rất rộng với 18 chính sách thay đổi thì hợp lý không?

“Sửa toàn diện 18 vấn đề tôi sợ còn rối hơn, nếu không cẩn thận phá vỡ hết cả Luật Ngân sách” - ông Hiển lo ngại.

Khẳng định không phủ nhận Luật Đầu tư có một số vấn đề cần sửa đổi, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu những khó khăn trong thực tế đổ thừa hết cho luật thì không đúng, vì có những vấn đề là do điều hành, do tổ chức thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư công hiện hành đưa ra các quy định rất hợp lý, vài năm qua đã khắc phục được việc ghi tên công trình rất nhiều nhưng không có vốn, từng địa phương cứ chạy cho được cái tên chứ không biết vốn ở đâu. Luật Đầu tư công quy định chỉ khi xác định được nguồn vốn mới được ghi tên công trình, quy định như vậy rất tiến bộ và phù hợp xu hướng của thế giới.

Chính phủ nói một số quy định quá cứng nhắc, nhưng lại nêu điển hình như thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Chủ tịch Quốc hội lập luận, vốn ít không có tiền cân đối đâu phải do luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sửa những quy định quá “cứng”, chưa đồng bộ. Lần họp tới của UB Thường vụ Quốc hội cần cung cấp cho được tất cả vấn đề cho thấy triển khai Luật Đầu tư công không được là do triển khai thực hiện chứ không phải do luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ sửa những gì thực sự vướng mắc đã được đánh giá tác động, đảm bảo đủ chín. Sau 5 năm thực hiện luật, đánh giá đầy đủ thì mới tính đến việc sửa toàn diện.

“Ngân sách là đồng tiền bát gạo của dân, phải được quản lý chặt chẽ” - ông Hiển nhấn mạnh.

P.Thảo