Nâng mức nợ vay cho Hải Phòng

(Dân trí) - Chiều 15/5, UB Thường vụ Quốc hội thông qua cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết 32, Kết luận 72 của Bộ Chính trị.

Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ với những công trình, dự án nổi bật được đầu tư như cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.
Hải Phòng đang trên đà phát triển mạnh mẽ với những công trình, dự án nổi bật được đầu tư như cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á.

Tại UB Thường vụ Quốc hội, đại diện Chính phủ trình dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách của TP Hải Phòng. Tờ trình nêu rõ, Hải Phòng hiện là trung tâm, động lực phát triển kinh tế của cả vùng. Việc xây dựng cơ chế chính sách tài chính đặc thù đối với Hải Phòng là phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Qua đó làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

Chính phủ đề xuất UB Thường vụ Quốc hội xem xét mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, thành phố Hải Phòng được vay không quá 30%).

Chính phủ cũng đề nghị xem xét bổ sung có mục tiêu cho thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Tán thành với những vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí những cơ chế đặc thù dành cho thành phố Cảng để tạo điều kiện cho địa phương đột phá và phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, UB Thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm.

Hàng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao từ khoản thu phân chia dưới ngân sách Trung ương và các địa phương. Khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100% nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước.

Tinh thần chung cũng được thống nhất là không ban phát quá nhiều “ưu tiên”, “hỗ trợ lãi suất”. Cơ chế đặc thù được xem xét dành cho các thành phố trực thuộc Trung ương ở để làm động lực phát triển chứ không áp dụng tràn lan.

P.T