Mở rộng quản trị vùng bờ biển để thích ứng với biển đổi khí hậu
(Dân trí) - Sáng 20/11, tại Đà Nẵng, đã diễn ra lễ tổng kết các phiên họp trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á 2015 sau 4 ngày làm việc.
Trong thời gian diễn Đại hội, có 3 phiên hội nghị toàn thể, 13 hội thảo quốc tế theo 3 nhóm chủ đề “Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á: Hiệp lực và thành tựu”, “Đẩy mạnh hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” và “Từ tầm nhìn tới thực tế: Gắn kết chương trình nghị sự toàn cầu với lợi ích địa phương”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Chu Phạm Ngọc Hiển, trong phiên họp thứ nhất, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề: Quản lý rủi ro trong biến đổi khí hậu và thảm họa ở các nước biển Đông Á; đóng góp trong lĩnh vực hàng hải cho nền kinh tế xanh ở các biển Đông Á; quản trị đại dương và vùng bờ tại các biển Đông Á: từ quốc gia đến khu vực.
Theo đó, các đại biểu xác định, các công cụ quốc tế như công ước của Liên hợp quốc, các công ước về bảo vệ môi trường biển … cùng với các văn kiện khác, đóng vai trò quan trọng để phát triển và triển khai thực hiện các chính sách đại dương. Mở rộng quản trị vùng bờ biển và quản trị vùng đại dương để thích ứng với biển đổi khí hậu. Tăng cường sự hợp tác của khu vực trong thích ứng biến đổi khi hậu và quản lý giảm rủi ro thảm họa là cần thiết.
Phiên hội thảo đã đưa ra nhiều quyết định như: Cần xây dựng và áp dụng cơ chế để phê chuẩn triển khai thực hiện các công ước quốc tế. Thể chế hóa các cam kết quốc tế và các chiến lược cũng như chương trình hành động trong khu vực như các mục tiêu phát triển, chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á, các kế hoạch hành động quốc gia thông qua việc xây dựng pháp luật quốc gia và phê chuẩn các chính sách, chiến lược, chương trình và các cơ chế một các toàn diện.
Tăng cường hợp tác giữa các chương trình, hệ sinh thái biển quy mô lớn nhằm giảm thiểu những chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo thuận lợi và cải thiện hiệu quả đầu tư trong việc triển khai thực hiện các chương trình hành động chiến lược bao gồm cả nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin.
Các quốc gia cần xây dựng và áp dụng các cơ chế, thể chế pháp luật để sáng tạo, đẩy mạnh, triển khai một cách tổng hợp các chính sách, chiến lược và chương trình hành động tại quy mô địa phương, quốc gia.
Tại các phiên thảo luận khác, các đại biểu cũng đã thảo luận các vấn đề như: mở rộng quản lý tổng hợp vùng bờ; áp dụng quản lý tri thức trong việc mở rộng đầu tư của khu vực công và tư trong nền kinh tế xanh; lượng giá dịch vụ hệ sinh thái vùng bờ và quy hoạch không gian vùng bờ biển; thông qua mô hình hợp tác công – tư, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của xã hội để phát triển nền kinh tế đại dương xanh…
Khánh Hồng