Minh oan cho người 2 lần bị kết án tử - Việc tốt nhất năm của ngành toà án

(Dân trí) - Trong số 16 đơn kêu oan có mức án phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình được thụ lý năm 2016, đến nay, TAND tối cao giải quyết xong được 4 trường hợp. Việc minh oan cho ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh - người 2 lần bị kết án tử từ 40 năm trước - được cho là kết quả tích cực, đáng chú ý nhất trong năm…

Tử tù 43 năm Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) trong buổi xin lỗi công khai của ngành toà án hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Tử tù 43 năm Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) trong buổi xin lỗi công khai của ngành toà án hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Thẩm tra báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành toà án, VKS năm 2016, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẳng thắn “phê” các báo cáo chưa phân tích rõ số đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về từng lĩnh vực cụ thể (hình sự, dân sự, hành chính); mới chủ yếu liệt kê số liệu mà chưa đánh giá cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Với ngành toà án, nhận định chung đưa ra là năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp. TAND cấp cao phải giải quyết hơn 12.000 đơn thư, tăng 3.100 vụ việc so với năm trước, tỷ lệ lớn là về lĩnh vực dân sự, hình sự. Vẫn còn những vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Cơ quan thẩm tra ghi nhận nỗ lực của ngành toà án với kết quả tích cực đạt được như có 500 vụ việc đã được Chánh án các toà kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đều được hội đồng xét xử sau đó chấp nhận, góp phần giảm các khiếu nại bức xúc kéo dài của người dân.

Thực hiện yêu cầu giám sát của Quốc hội, TAND tối cao đã thụ lý, giải quyết 16 đơn kêu oan có mức án phạt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đến nay, toà tối cao đã giải quyết xong 4 trường hợp, trả lời không có căn cứ kháng nghị đối với 3 trường hợp, 1 trường hợp Hội đồng thẩm phán toà tối cao xét xử nhưng không chấp nhận kháng nghị của VKSND tối cao.

Cơ quan thẩm tra nhắc đến việc minh oan cho ông Trần Văn Thêm ở tỉnh Bắc Ninh – vụ án đã được xét xử cách đây hơn 40 năm như một kết quả tích cực của ngành toà án.

“Vụ quán cà phê Xin chào, vụ người kinh doanh điện thoại "cùi bắp"… thể hiện việc các cơ quan toà án, VKS các cấp phản ứng khá kịp thời với những yêu cầu, bức xúc của người dân nhưng nhìn chung tiến độ xử lý, trả lời đơn thư của người dân của 2 ngành vẫn chậm, chủ yếu chỉ trả lời kiểu “đã nhận được đơn/thư”… Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nói thêm khi trình bày báo cáo thẩm tra trước UB Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ những hạn chế cần khắc phục như vẫn có những bản án tuyên chưa rõ, làm khó cơ quan thi hành án, chưa phân tích cụ thể các loại vi phạm của cán bộ toà để rút kinh nghiệm…

Với ngành kiểm sát, VKSND các cấp đã huỷ được 11 quyết định tố tụng trái pháp luật, ban hành 231 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm với tỷ lệ được toà án chấp nhận là 82,1%, vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Dù vậy, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan này cũng vẫn còn hạn chế, tồn tại. Số vụ việc vi phạm được VKSND phát hiện, kiến nghị về nội dung giải quyết còn ít, chủ yếu chỉ phát hiện vi phạm về thẩm quyền, thời hạn, thủ tục; có trường hợp phát hiện được vi phạm nhưng không kịp thời có văn bản kiến nghị, kháng nghị.

UB Tư pháp chỉ rõ, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp còn nhiều thiếu sót nhưng VKSND các cấp chỉ ban hành được 245 kiến nghị khắc phục vi phạm, chưa phản ánh đúng tình hình. Cơ quan thẩm tra yêu cầu ngành kiểm soát đánh giá thẳng thắn hơn về các nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế, tồn tại của ngành.

Đáng lưu ý, VKSND tối cao cần tập trung làm rõ nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là nguyên nhân do chất lượng hoạt động tư pháp, để từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị một cách tổng thể, có hiệu quả.

P.Thảo