1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Cơ quan nào phải bồi thường oan sai cho “cụ ông 2 lần bị kết án tử”?

(Dân trí) - Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, cơ quan phải bồi thường oan sai cho ông Trần Văn Thêm là cơ quan gây oan sai sau cùng. Các khoản tiền ông Thêm được bồi thường gồm: số ngày phải chịu tù oan; thu nhập thực tế bị mất; tổn hại về tinh thần...

Như đã đưa tin, ngày 11/8, liên ngành Tư pháp trung ương đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm, người đã 2 lần bị kết án tử, tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Ông Trần Văn Thêm nhận lời xin lỗi của liên ngành tư pháp Trung ương ngày 11/8.
Ông Trần Văn Thêm nhận lời xin lỗi của liên ngành tư pháp Trung ương ngày 11/8.

Theo nội dung vụ việc, ông Trần Văn Thêm bị cơ quan tố tụng kết tội giết em họ là Nguyễn Khắc Văn vào năm 1970. Năm 1973, ông Thêm bị tuyên án tử hình. Đến năm 1974, TAND tối cao xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.

Năm 1975, sau khi đối tượng Phan Thanh Nhàn khai giết hại nạn nhân Nguyễn Khắc Văn, Ủy ban thẩm phán Tòa án tối cao đã mở phiên toà theo thủ tục Giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ 2 bản án phúc thẩm, sơ thẩm và giao hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý lại theo quy định của pháp luật.

Sau khi được tạm tha, ông Trần Văn Thêm đã có nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, cơ quan tiến hành tố tụng.

Đến năm 2015, TAND tối cao đã sao chụp và nhận được các tài liệu liên quan do ông Thêm và luật sư trợ giúp cho cụ cung cấp. Từ đó, các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, xác định ông Trần Văn Thêm không thực hiện hành vi giết ông Nguyễn Khắc Văn năm 1970.

Vấn đề đặt ra sau buổi công khai xin lỗi của liên ngành tư pháp Trung ương là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Thêm, mức bồi thường ra sao?

Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Tòa phúc thẩm TAND tối cao, nay là TAND cấp cao tại Hà Nội, là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Thêm.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Tòa phúc thẩm TAND tối cao, nay là TAND cấp cao tại Hà Nội, là cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Thêm.

Đánh giá về vụ việc này, luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - cho biết, theo quy định của Luật tố tụng hình sự Việt Nam, khi đã có bản án Giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại thì toàn bộ hồ sơ vụ án phải được trả lại để cơ quan điều tra lại.

“Cụ thể, trong vụ án này, nếu đã xác định được người phạm tội không phải là ông Trần Văn Thêm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Văn Thêm và khôi phục lại toàn bộ quyền lợi hợp pháp cho ông Trần Văn Thêm.

Nếu ông Thêm được đình chỉ điều tra vì không thực hiện hành vi phạm tội thì ông Thêm có quyền làm đơn đề nghị được bồi thường oan sai theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước” - luật sư Tuấn phân tích.

Theo quy định của pháp luật, các khoản tiền ông Thêm được bồi thường gồm: số ngày phải chịu tù oan; thu nhập thực tế bị mất; tổn hại về tinh thần.

Về cơ quan phải bồi thường oan sai cho ông Thêm, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật và Liên Danh khẳng định, đó là cơ quan gây oan sai sau cùng. Trong vụ án này, Tòa phúc thẩm TAND tối cao, nay là TAND cấp cao tại Hà Nội, phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Thêm.

Trước vấn đề liệu ông Thêm và gia đình có phải trình các loại giấy tờ, hóa đơn chứng từ làm căn cứ giải quyết bồi thường oan sai, luật sư Tuấn cho biết, theo quy định, bên đòi bồi thường oan sai vẫn phải trình các loại giấy tờ trên để chứng minh mức bồi thường đưa ra là có căn cứ.

“Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vụ án oan sai như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén… để có căn cứ chứng minh mức bồi thường theo quy định là không thể. Đây cũng là điều bất cập của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.

Về nguyên tắc bồi thường oan sai trong vụ án hình sự giữa một bên là người bị oan sai và cơ quan gây ra oan sai cùng nhau tiến hành thương lượng, thỏa thuận mức bồi thường; nếu không thỏa thuận được thì người bị hàm oan có quyền khởi kiện cơ quan gây ra oan sai theo thủ tục tố tụng dân sự yêu cầu đòi bồi thường” - luật sư Tạ Anh Tuấn phân tích.

Tiến Nguyên