Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
(Dân trí) - Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - vị lãnh đạo lão thành, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước diễn ra từ 7h sáng nay, ngày 6/10 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và tại Hội trường Thống nhất TPHCM.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu tiến vào phòng tang lễ. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn dành một phút mặc niệm người lãnh đạo lão thành vừa ra đi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khải Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang… tuần tự đi vòng quanh linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để tiễn biệt ông và chia buồn cùng gia quyến.
Đoàn Ban chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng.
Ghi những dòng trang trọng trong sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười -nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu, hi sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân, người có nhiều công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng tổ quốc. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm thương tiếc vô hạn với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Nguyện mãi học tập và noi theo tấm gương suốt đời vì nước vì dân của đồng chí. Xin vĩnh biệt bác Đỗ Mười kính mến. Xin chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc với gia quyến đồng chí Đỗ Mười trong giờ phút đau thương vô cùng này”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười – nguyên Tổng Bí thư, nguyên cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng. Đồng chí Đỗ Mười, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo xuất sắc, uy tín của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, ở vị trí nào đồng chí cũng để lại dấu ấn sâu sắc. Đồng chí Đỗ Mười - một tác phong lãnh đạo quyết liệt, mẫn cãn, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Đồng chí có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước Việt nam XHCN. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn. Xin chia buồn cùng gia quyến. Xin vĩnh biệt đồng chí!".
Tổng Bí thư gửi lời chia buồn trong sổ tang.
Đoàn Chủ tịch nước do quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ghi trong sổ tang, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết: “Kính thưa anh linh bác Đỗ Mười – người cộng sản kiên trung của cách mạng Việt Nam! Sự ra đi của bác để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho Đảng, nhà nước và đông đảo nhân dân Việt Nam. Chúng cháu nguyện nỗ lực công tác tốt, nỗ lực xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kính mong bác an nghỉ!”.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cúi đầu tiễn biệt.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (Video: Toàn Vũ)
Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đứng trước linh cữu ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng… cúi đầu mặc niệm nguyên Tổng Bí thư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết lời chia buồn trong sổ tang.
Ghi trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, nguyên Tổng Bí thư là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tấm gương mẫu lực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một đời vì nước vì dân. Đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước, nhất là lĩnh vực công nghiệp nặng và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Với tư tưởng đổi mới, Việt Nam sẵn sàng là bạn với mọi quốc gia trên thế giới, đồng chí đã mở ra thời kỳ hội nhập sâu rộng của đất nước…
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu vào viếng.
Ghi sổ tang tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Với lòng tiếc thương vô hạn xin kính cẩn nghiêng mình trước đồng chí Đỗ Mười, người lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng. Cả cuộc đời người đã cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất tổ quốc và hoà bình ấm no của nhân dân. Bác Đỗ Mười ơi, thế hệ đi sau luôn ghi nhớ công ơn của bác. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng!”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia buồn cùng gia quyến.
Đoàn Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư.
Đoàn viếng của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu.
Đoàn Bộ Công an do Bộ trưởng - Thượng tướng Tô Lâm dẫn đầu vào viếng nguyên Tổng Bí thư.
Tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn cán bộ, lãnh đạo viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn cán bộ lãnh đạo TPHCM cúi đầu tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM (Video: Phạm Nguyễn)
Các đoàn viếng tại Hội trường Thống Nhất TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)
7h10, Ban Tổ chức mời các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia đình, tang quyến di chuyển về 2 bên phòng tang lễ, bắt đầu lễ viếng.
7h, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình sơ lược tiểu sử nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Nguyên Tổng bí thư tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, năm 1936, kinh qua nhiều chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù đã được tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao bệnh nặng đã không qua khỏi. Nguyên Tổng Bí thư từ trần hồi 23h12 ngày 1/10 tại Bệnh viện TƯ quân đội 108.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Để tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UB TƯ MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với nghi thức Quốc tang.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cũng công bố danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước với 39 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
6h55, tại Nhà tang lễ Quốc gia, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thân bằng, gia quyến đã có mặt đầy đủ, sẵn sàng cho lễ viếng. Trong phòng cử hành lễ tang, linh cữu nguyên Tổng Bí thư được phủ quốc kỳ đặt trang trọng chính giữa lễ đài. Trước linh cữu có di ảnh, lư hương, khung huân huy chương. Phía trên linh cữu nguyên Tổng Bí thư là phông nền đen, trang trí quốc kỳ có dải băng đen. Phía trên là dòng chữ lớn màu trắng “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười”.
Đứng nghiêm trang trước linh cữu là 4 sỹ quan quân đội, hai bên linh cữu có 6 tiêu binh theo đúng quy định khi thực hiện lễ quốc tang.
Lễ viếng tại Hội trường Thống Nhất TPHCM.
6h30, rất đông con cháu, người thân đã tập trung đông đủ trong Nhà tang lễ quốc gia chờ vào viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Lực lượng an ninh túc trực đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ quốc tang. (Ảnh: Toàn Vũ)
Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được tổ chức tại nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và tại Hội trường Thống nhất TPHCM. Lễ viếng sẽ kéo dài tới 7h30 sáng ngày mai, 7/10, trước khi lễ truy điệu, đưa tang nguyên Tổng Bí thư được cử hành lúc 9h.
Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư bắt đầu từ 13h chiều 7/10 tại quê nhà - khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng trong gần 2 nhiệm kỳ (từ 1991 đến 1997), đã từng là Thường trực Ban Bí thư (khóa VI); Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 6/1988 đến tháng 6/1991).
Ông tham gia Ban chấp hành Trung ương 5 khóa liên tiếp (từ khóa III tới hết khóa VIII), là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV và là chính thức tham gia Bộ Chính trị liên tục 4 khóa (từ khóa V tới khóa VIII).
Sau khi nghỉ chế độ, nguyên Tổng Bí thư còn tham gia Ban Cố vấn từ năm 1997 tới năm 2000.
Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XII cho biết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 101 tuổi.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là lễ Quốc tang thứ 3 của Việt Nam trong năm 2018. Cuối tháng 3, cả nước đưa tiễn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. 10 ngày trước, Đảng, Nhà nước vừa cử hành tang lễ Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hôm nay, người dân Việt Nam tiễn biệt một vị lãnh đạo lão thành, người đã gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc từ những ngày tiền khởi nghĩa.
Nhóm PV thời sự