Lấy phiếu tín nhiệm: Cần tập trung vào lãnh đạo Chính phủ

(Dân trí) - “Chính phủ là những người nắm cơm áo gạo tiền của dân, nắm tài sản của nhà nước; cũng là người hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với dân. Cần tập trung lấy phiếu ở những cương vị lãnh đạo trong cơ quan này” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Bên hành lang Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ủy viên UB Tư pháp, đại biểu TPHCM) trao đổi những vấn đề “nóng” liên quan đến đề án bỏ phiếu tín nhiệm, phòng chống tham nhũng.

Điều trần trước bỏ phiếu là bước đánh giá quan trọng

Đối với quy trình, cách thức bỏ phiếu tín nhiệm vừa được xây dựng, trình Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, không nên mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm. Bước đầu tiên chỉ nên làm đối với những người có cương vị tương đối cao, lấy phiếu diện hẹp để tránh hình thức.
 
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, nên lấy phiếu diện hẹp để tránh hình thức (Ảnh: Việt Hưng)
Theo đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa, nên lấy phiếu diện hẹp để tránh hình thức (Ảnh: Việt Hưng)
 
Ông Nghĩa phân tích, vấn đề quan trọng nhất khi tổ chức lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là xác định đối tượng là ai. “Tôi nghĩ trước mắt chúng ta nên tập trung chủ yếu vào những cương vị thuộc lĩnh vực bên hành pháp, Chính phủ. Điều này rất quan trọng vì đó là những người nắm cơm áo gạo tiền của dân, nắm tài sản của nhà nước và của dân. Hằng ngày họ tiếp xúc trực tiếp với người dân. Cho nên cần tập trung vào cương vị ở cơ quan hành pháp để lấy phiếu” – ông Nghĩa nói.

Nhận xét về đề xuất ở phạm vi Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu thường kỳ 49 chức danh, ông Nghĩa cho rằng, để việc lấy phiếu tín nhiệm có kết quả, thực chất và tránh bị lạm dụng, ngoài việc thu hẹp đối tượng thì cần phải có quy định chi tiết, cụ thể.

Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam lưu ý, đây là việc quan trọng, không thể quy định hời hợt mà nên có một phương thức, một cách làm hết sức cụ thể, chặt chẽ và hợp lý.

Ông Nghĩa dẫn chứng, nếu lấy phiếu định kỳ như quy định tại dự thảo, có khi kết quả sẽ rất tốt nhưng cũng có khi không tốt vì mỗi đại biểu Quốc hội cũng có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định, phải có ít nhất 20% số đại biểu kiến nghị. Điều này rất khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, quy định về việc giải trình, điều trần trước khi bỏ phiếu, ông Nghĩa cũng đánh giá là thủ tục quan trọng. Theo đó, các UB có quyền yêu cầu cán bộ giải trình về những vấn đề liên quan, khi cử tri có kiến nghị, yêu cầu, phản ánh về họ. Nếu giải trình không đúng, người dân không thấy thỏa mãn thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Ông Nghĩa góp ý thêm, nên bỏ phiếu ở 2 cấp, trước hết là cấp UB, sau đó mới đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội.

Về hình thức lấy phiếu, vị đại biểu luật sư cho rằng nên có cả bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bất thường. “Nhưng nếu định kỳ theo nghĩa 1 năm 2 lần thì cũng không cần bất thường nữa. Khi quy định đối tượng lấy phiếu không quá rộng, tôi nghĩ là cũng không nhất thiết phải quy định bỏ phiếu bất thường” – ông Nghĩa lưu ý thêm.
 
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội TPHCM.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội TPHCM.

Để việc lấy phiếu không mang tính hình thức dễ dẫn đến xuê xoa, ông Nghĩa gợi ý, phải quy định cách làm cụ thể để làm sao các đại biểu khi bỏ lá phiếu phải tránh được chuyện nể nang nhau, ngại đụng chạm. Do đó, việc bỏ phiếu phải là bỏ phiếu kín.

Bên cạnh đó phải có một cơ quan xem xét, đánh giá kết quả lấy phiếu, bỏ phiếu. Cơ quan này cần thực sự khách quan, không nên máy móc, cứng nhắc quá. “Ở các nước, quy trình này đều quy định rất chi tiết. Nếu chúng ta chỉ làm bằng một nghị quyết mà không có những quy định cụ thể thì hoặc là đôi khi sẽ gây ra những hậu quả thật khó xử, hoặc lại sẽ trở nên hình thức” – đại biểu TPHCM nói.

Sai phạm lớn vẫn không ra tội tham nhũng

Về dự án Luật Phòng chống tham nhũng, ông Trương Trọng Nghĩa đánh giá, ngoại trừ một thay đổi lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 là việc chuyển Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ sang trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư đứng đầu, những quy định còn lại trong dự luật không có gì đổi mới.

Chủ trương chính sách và luật pháp về phòng chống tham nhũng như thế đã khá đầy đủ, nhưng khi triển khai thì không đạt yêu cầu, ách tắc, ông Nghĩa cho rằng, nguyên nhân cuối cùng là con người.

“Khi Nghị quyết ĐH Đảng đã nhận định rõ là có hiện tượng tham nhũng, suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên, kể cả ở cấp cao tức là có những người có chức quyền cao tham nhũng, không lạ là tại sao công tác phòng chống tham nhũng không đạt yêu cầu. Lý do là ởi họ không thể tự xử lý mình được” – ông Nghĩa phán đoán.

Nhìn thẳng vào thực tế, thấy rõ bất cập, hạn chế nhưng quan trọng, theo ông Nghĩa là phải xử lý kiên quyết những trường hợp gây tổn thất lớn cho tài sản của nhà nước, xã hội, những trường hợp thoái hóa, biến chất.

Phó Chủ tịch liên đoàn luật sư thông tin, UB Tư pháp khi thẩm định báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2012 đã nêu một tình trạng, dù tiêu cực gây tổn thất, lãng phí lớn, có khi đến hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng khi điều tra những người có trách nhiệm lại không ra hành vi tham nhũng. Luật sư Nghĩa đặt dấu hỏi về việc làm tròn trách nhiệm của ngành công an.

P.Thảo