“Làm dân một giờ sẽ thấy tính mạng, tài sản dễ bị xâm hại thế nào”

(Dân trí) - “Chúng ta làm dân thường một vài giờ sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân dễ bị xâm hại, xúc phạm như thế nào. Đất nước của chúng ta hiện nay kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Chiều 28/3, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội 2011 – 2016. Tại đây, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu thực trạng một số người không sợ gì khi vi phạm pháp luật.

Tình trạng trên diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi từ việc xây hàng chục biệt thự trái phép giữa Thủ đô, phá rừng, khai thác cát rất trắng trợn. Theo đại biểu điều đó Quốc hội có trách nhiệm trong việc giám sát, thực thi pháp luật.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảm thấy đất nước hiện nay kém an toàn hơn rất nhiều so với 10 năm trước. “Chúng ta làm dân thường một vài giờ sẽ thấy tính mạng, nhân phẩm và tài sản của người dân dễ bị xâm hại, xúc phạm như thế nào”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nói


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tính mạng và tài sản của người dân rất dễ bị xâm hại

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tính mạng và tài sản của người dân rất dễ bị xâm hại

Còn đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, giám sát của Quốc hội chưa quan tâm xử lý các vấn đề cụ thể mà mới chỉ giám sát chung. Vì vậy nhiều cử tri đưa ra nhận xét trong lĩnh vực giám sát chính sách là “chính sách thì ở xa mà quan nha thì ở gần”. Do vậy, theo đại biểu điều mà người dân mong muốn chính là hoạt động giám sát của Quốc hội giúp giải quyết được những bức xúc cụ thể, những phản ánh, kiến nghị cụ thể.

Mặt khác, theo quy định giám sát của Quốc hội có 5 cấp độ, trong đó giám sát của cá nhân đại biểu chưa được phát huy. Nguyên nhân của vấn đề này là cơ chế, khung pháp lý để cho cá nhân đại biểu có thể tổ chức hoạt động giám sát của mình là chưa rõ. Cụ thể như một đại biểu muốn giám sát cũng bị lúng túng là chưa biết bắt đầu từ đâu, ai ra quyết định, ai hỗ trợ giúp đỡ mình trong hoạt động giám sát đó.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, khi phát biểu trước nghị trường đôi lúc còn lúng túng, còn hồi hộp, lắp bắp và nhiều khi đêm về ngủ không được. Nhìn chung các đại biểu Quốc hội đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, phản ánh được những bức xúc của cử tri.

Nhận xét về hoạt động Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, các đại biểu đã thể hiện khá đầy đủ trách nhiệm với cử tri. Thế nhưng một số đại biểu vẫn còn chưa thẳng thắn đánh giá một cách sát thực hơn, đó là vẫn còn cơ chế xin - cho từ đó dẫn đến tình trạng một số đại biểu ở địa phương đặc biệt là địa phương nghèo thường không dám phát biểu ngại va chạm. Một số đại biểu thì thờ ơ, được chăng hay chớ, thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, ít đi cơ sở, không thường xuyên gặp gỡ cử tri lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Ngoài ra, một số đại biểu nặng việc chuyên môn vắng mặt thường xuyên trong kỳ họp, ít phát biểu nhưng cũng chẳng ai đánh giá, phê phán gì từ đó dẫn đến chất lượng đại biểu không đồng đều, Quốc hội hoạt động nghiêng về một số đại biểu Quốc hội chuyên trách nhiều hơn.

“Tôi đề nghị nên tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách, hạn chế thấp nhất đại biểu ở cơ quan hành pháp để hạn chế tình trạng ngại va chạm, thiếu quyết tâm, thiếu năng lực không thể hiện được người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Khá nêu kiến nghị.

Quang Phong