Kỷ niệm 50 năm Hàm Rồng chiến thắng:

Ký ức những ngày khói lửa của người cựu binh bảo vệ Hàm Rồng

(Dân trí) - 50 năm trôi qua, người cựu binh già bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa giờ đây cũng đã gần 70 tuổi, vậy mà ký ức về những ngày khói lửa, bom rơi trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng như vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí ông.

Cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã có vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông Bắc – Nam. Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã nhằm mục tiêu vào cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.

Điều đặc biệt ở những trận chiến đấu vô cùng ác liệt của quân và dân ta với địch lại diễn ra ngay trên đất Bắc vốn là hậu phương không phải chiến trường. Những chiến thắng, mất mát đau thương trong những ngày tháng hào hùng ấy vẫn không thể nào quên với những người tham gia trận chiến.

Ký ức những ngày khói lửa của người cựu binh bảo vệ Hàm Rồng
Trong suốt thời kỳ chiến đấu chống lại âm mưu phá cầu Hàm Rồng, quân và dân Thanh Hóa đã tiêu diệt 117 máy bay của địch

Gặp lại những người lính, những người phục vụ chiến đấu, những người trực tiếp chứng kiến trận đánh đã đi vào lịch sử của quân dân Hàm Rồng năm xưa, hầu hết đều đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khi nhắc đến “chảo lửa” Hàm Rồng vẫn cảm thấy được sự xúc động, bồi hồi trong mỗi nhân chứng sống về những chiến công hiển hách, vang dội một thời của những người đã ngã xuống vì bình yên của dân tộc.

Cựu binh Lê Xuân Giang (SN 1947, TP Thanh Hóa). Sau khi tốt nghiệp lớp 10, chàng thanh niên Xuân Giang đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.  Vào bộ đội, anh là lính trắc thủ ra đa của Trung đoàn Hàm Rồng và trực tiếp chiến đấu trên đồi C4  với nhiệm vụ bảo vệ cầu Hàm Rồng.

10 năm trong quân ngũ (1965 –1975) với biết bao kỷ niệm. Ngày hôm nay, nhắc đồng đội, đến Hàm Rồng, đến bom đạn của chiến tranh người lính già không khỏi bồi hồi, đôi mắt rơm rớm nước. Ông kể: “Chiều ngày 3/4/1965, Hàm Rồng không ngớt tiếng bom, 17 máy bay Mỹ bị bắn hạ. Không chịu thừa nhận thất bại, 10h20 phút ngày 4/4, sau khi bắn phá bến Phà Ghép nhằm cắt đứt nút giao thông quan trọng trong việc tăng cường lực lượng cơ động cho trận địa Hàm Rồng, đế quốc Mỹ tăng cường máy bay đánh phá cầu Hàm Rồng từ nhiều phía.

Cựu binh Lê Xuân Giang bồi hồi nhớ lại những trận dội bom, càn quét của giặc Mỹ xuống cầu Hàm Rồng
Cựu binh Lê Xuân Giang bồi hồi nhớ lại những trận dội bom, càn quét của giặc Mỹ xuống cầu Hàm Rồng

Trong ngày thứ 2 chiến đấu, lực lượng không quân Việt Nam lần đầu tiên xuất kích, hiệp đồng cùng bộ đội phòng không, dân quân tự vệ chặn đánh địch quyết liệt. Đế quốc Mỹ không ngờ rằng chúng đã vấp phải sai lầm khi tiến hành bắn phá cầu Hàm Rồng. Dù đã huy động hàng trăm lượt máy bay, thả 350 quả bom và bắn 149 quả rocket xuống Hàm Rồng, nhưng cây cầu vẫn sừng sững, hiên ngang. Chỉ trong hai ngày 3 - 4/4/1965 đã có 47 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi tại đây, được ví là hai ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ. Tham vọng biến cầu Hàm Rồng thành “điểm tắc” của nước Mỹ lúc bấy giờ đã tan thành mây khói. Thế nhưng, chúng vẫn không từ bỏ dã tâm đánh phá cầu Hàm Rồng, sau trận đánh ngày 3 và ngày 4/4, chúng lại mở những cuộc tấn công ác liệt hơn”.

“Thời ấy, chúng đánh phá ác liệt là vậy, thế nhưng, người lính lúc ấy không biết sợ chết là gì, chỉ có tâm huyết một điều cống hiến cả bản thân để phục vụ Tổ Quốc. Với người lính lúc đó, “Hàm Rồng là máu là xương, là niềm tin của bốn phương gửi về”.Tôi vẫn còn nhớ như in, mỗi một trận đánh đi qua, người lính chúng tôi lại rút ra một câu khẩu hiệu vừa để động viên, làm sức mạnh chiến đấu vừa để răn mình” – ông Giang bồi hồi nhớ lại.

 Rồi ông kể rành rọt từng trận đánh gắn với những câu khẩu hiệu máu thịt của đồng đội. Đó là vào ngày 28/7/1965, Mỹ công kích vào trận địa bằng súng 20 ly. Khẩu đội 4 bị thương 4 người, trong đó đồng chí Nguyễn Văn Điền bị mảnh đạn 20 ly găm vào 11 chỗ nhưng đồng chí vẫn chiến đấu cho đến khi bị ngất, những người bị thương còn lại vẫn không rời vị trí. Sau ngày đó, khẩu hiệu “Bị thương nặng không kêu ca, bị thương nhẹ không rời vị trí” được các chiến sĩ khắc sâu trong tâm trí.

Tấm ảnh cầu Hàm Rồng năm xưa vẫn đang ông Giang gìn giữ như báu vật
Tấm ảnh cầu Hàm Rồng năm xưa vẫn đang ông Giang gìn giữ như báu vật

Trận đánh của Mỹ vào ngày 3/9/1967, địch lại dùng loại bom bi quả ổi để ném vào trận địa của ta (loại bom này chứa 365 quả con). Khẩu đội 4 tiếp tục bị đánh tiếp. Lần này, 4 chiến sĩ bị hy sinh trong đó có khẩu đội trưởng.

Nhớ lại giây phút cùng đồng đội đến bên mâm pháo của khẩu đội 4 sau khi kết thúc trận đánh, ông Giang rưng rưng nước mắt. Ông bảo, khẩu đội có 6 người thì hy sinh 4, 2 người còn lại bị thương. Máu của các anh tràn trên mâm pháo nhưng điều đặc biệt là chân các chiến sĩ đặt dưới nòng pháo nên sau khi hy sinh rồi pháo vẫn tiếp tục được bắn ra tới tấp. Và dù gục xuống vẫn nguyên vị trí theo đội hình. Sau trận đánh này, câu khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” lại được đồng đội hô vang để nhắc nhớ bản thân mình quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Vào ngày 18/1/1967, Mỹ tiếp tục điên cuồng thả bom xuống cầu Hàm Rồng. Lần này không phải là bom bi mà là bom sát thương. Khẩu đội 4 lại là khẩu đội trực tiếp chịu những trận dội bom của không quân Mỹ. Trận đánh này vô cùng ác liệt khiến cho khẩu đội có 6 pháo thủ thì 5 pháo thủ hy sinh. Trong lời kể của cựu binh Lê Xuân Giang vẫn còn chất chứa nỗi đau xót khi nhớ về giây phút chứng kiến cảnh đồng đội của mình không còn nguyên vẹn. Ông bảo lúc ấy phải dùng quần áo, giày dép để phân biệt được danh tính.

Tấm ảnh cầu Hàm Rồng năm xưa vẫn đang ông Giang gìn giữ như báu vật
Để có được chiến thắng Hàm Rồng lịch sử cũng không thể quên máu và mồ hôi của biết bao chị em phụ nữ là người con xứ Thanh

Không lùi bước trước sự hy sinh của đồng đội, nhiều chiến sĩ tiếp tục xung phong vào khẩu đội 4, chiến sĩ duy nhất sống sót trong trận chiến ngày 18/1 là chiến sĩ Lê Xuân Thanh đã tình nguyện ở lại chiến đấu và làm khẩu đội trưởng tiếp tục chỉ huy.

Cuộc chiến đấu ác liệt, máu của đồng đội đổ xuống cũng vô cùng nhưng niềm tự hào của nhân dân Thanh Hóa lúc bấy giờ là từ năm 1965 đến năm 1967, chỉ trong vòng 2 năm ta đã tiêu diệt được 99 máy bay địch. Do có thành quả to lớn này nên năm 1968 khi đồng chí Lê Xuân Thanh được cử ra gặp Bác Hồ, Bác đã nói nếu Thanh Hóa bắn rơi máy bay thứ 100 thì Bác sẽ vào thăm.

Trở về, muốn thực hiện được Bác Hồ vào thăm, đồng đội của ông Giang lại ra khẩu hiệu “Quyết tâm bắn rơi máy bay thứ 100”. Tuy nhiên, sau đó thì Mỹ dừng bắn phá cầu Hàm Rồng cho tới năm 1971 mới bắt đầu mở những trận đánh tiếp theo.

Tên phi công của Mỹ bị quân và dân Thanh Hóa bắt sống
Tên phi công của Mỹ bị quân và dân Thanh Hóa bắt sống

“Trong năm 1971 và 1972, không quân Mỹ càn quét cầu Hàm Rồng ngày càng ác liệt, những trận đánh quy mô lớn hơn rất nhiều, mỗi ngày hàng chục tốp máy bay nối đuôi nhau vào thả bom B52 xuống cầu Hàm Rồng. Đau đớn nhất là trận đánh của không quân Mỹ vào đêm 21/4/1972 khiến hai làng Hạc Oa (Đông Cương) và Phượng Mao (Hoằng Hóa) bị cháy rụi. Hàng trăm người dân chết. Và trận đánh của Mỹ vào đê Sông Mã (ngay sát cầu Hàm Rồng) ngày 14/6/1972 khiến 64 giáo sinh trường y sĩ và trường sư phạm 7+3 hy sinh, hàng trăm người khác bị thương” – người cựu binh già Lê Xuân Giang rưng rưng kể lại.

Có thể nói, máu và mồ hôi của quân và dân Thanh Hóa đổ xuống đã đổi lấy thành quả trong cả hai giai đoạn bảo vệ cầu Hàm Rồng, ta đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 tên phi công của Mỹ.

Chiến tranh đã lùi xa, chịu bao trận bom rơi của địch, cây cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã như một minh chứng hùng hồn cho ý chí quật cường của người dân Hàm Rồng - Nam Ngạn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung.

Nguyễn Thùy