Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng:

“Hơn 90 triệu dân Việt Nam hãy “nuôi” 2 triệu dân đánh cá”

(Dân trí) - Muốn bảo vệ được 1 triệu km2 biển đảo thì hàng ngày phải có khoảng 2 triệu ngư dân đánh cá ngoài biển khơi, xem như đó là ao nhà của ta. Ngư dân như người canh biển, tai mắt cho đảo. Giữa mênh mông biển nước như thế thì phải có tai mắt của ngư dân. Khi nào bão tố, địch họa, có chuyện gì thì xem họ như những người liệt sĩ. Hơn 90 triệu dân Việt Nam hãy nuôi lấy 2 triệu dân đánh cá.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng) - đã bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với Dân trí xung quanh dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng đang xin ý kiến đóng góp của nhân dân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

 

Ông đánh giá thế nào về dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng ?

Dự thảo như vậy theo tôi là chấp nhận được. Tôi mong rằng 5 năm tới nếu triển khai được như vậy thì rất tốt. Chỉ sợ rằng lại giống như các nghị quyết của các đại hội trước, nói thì được nhân dân đồng tình nhưng sau đó thực hiện thì lại không được như ý muốn. Từ đại hội VIII đến đại hội XI chúng ta đã nói rằng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại nhưng bây giờ thấy còn xa vời lắm.

Tôi thấy phần đánh giá về thành tựu, kết quả trong dự thảo báo cáo chính trị không phải bàn, nhưng phần đánh giá về tồn tại, khuyết điểm thì có nhiều mảng, một số vấn đề đánh giá chưa thực sự đạt được yêu cầu, đúng mức và đúng cấp độ của tình hình công tác. Điển hình như tình hình phòng chống tham nhũng, sau Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI từ những năm 2001-2002 đến nay nói chung nhận định như vậy là chưa đạt như yêu cầu mong muốn.

4 vấn đề lớn, rõ ràng được dự thảo báo cáo chính trị nêu ra, theo tôi là đúng và trúng. Vấn đề bảo vệ xã hội chủ nghĩa nói thì dễ lắm, nhưng trước tình hình như thế này, bao nhiêu phức tạp đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt vấn đề Biển Đông, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của tổ quốc là cực kỳ nặng nề. Bảo vệ vững chắc tổ quốc nhưng phải giữ vững được hòa bình, ổn định. Đất nước mà rơi vào mất ổn định thì cực kỳ khó khăn. Trong hai vấn đề bảo vệ tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định thì bảo vệ tổ quốc phải cao hơn. Giữ vững được ổn định mà tổ quốc bị uy hiếp thì không thể chấp nhận được. Bảo vệ tổ quốc là trên hết, là mục tiêu quan trọng hàng đầu.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên Biển Đông thời gian qua, dự thảo báo cáo chính trị đã đề ra định hướng từng bước hiện đại hóa quân đội, ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng quan trọng... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

Đầu tư cho quốc phòng phụ thuộc chủ yếu vào nền kinh tế. Làm ra tiền của thì mới đầu tư cho quốc phòng được. Muốn phát triển kinh tế thì lại phụ thuộc rất lớn vào quốc phòng ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ổn định. Như Thái Lan ấy, mất ổn định về chính trị đã gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Cho nên muốn đầu tư cho quốc phòng phải dựa trên kinh tế phát triển.

Đặt ra như trong dự thảo là phù hợp, không phải đầu tư cho tất cả, mà lúc này đối tượng tập trung là Biển Đông. Thế thì cái gì phục vụ cho Biển Đông? Đó là đầu tư cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển, phòng không - không quân, bên dân sự là lực lượng kiểm ngư. Dưới biển phải mạnh, trên trời phải mạnh. Bên cạnh đó là hệ thống thông tin liên lạc phải mạnh, đủ sức để chống lại hệ thống phá hoại thông tin của kẻ địch. Trên đất liền lực lượng bộ binh, pháo binh, công binh cũng phải được đầu tư tương xứng.

Tôi mới đi Trường Sa về. Tất nhiên tôi ra đó không phải để đi chơi. Tôi đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho tôi ra Trường Sa, bởi cách đây 23 năm khi đang là Tư lệnh Quân khu 4 tôi được đồng chí Đoàn Khuê - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ giao nhiệm vụ ra Trường Sa để khảo sát, xây dựng phương án phòng thủ. Lần đi Trường Sa vừa rồi chủ yếu đánh giá lại xem những cái ngày xưa chúng tôi góp ý kiến thì bây giờ thế nào. Sau chuyến khảo sát vừa rồi, đứng về góc độ các chiến sĩ bảo vệ đảo thì tôi thấy rằng ý chí, quyết tâm chúng ta đầy đủ, đáp ứng được tình huống phức tạp nhất có thể xảy ra. Nhưng giữ đảo, giữ Biển Đông không chỉ có các chiến sĩ ngoài đảo kia. Đó phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Cả nước phải dồn sức cho họ. Phải làm thế nào để sức mạnh của chúng ta đủ sức chế ngự, không để hải quân Trung Quốc chiếm đảo của chúng ta; phải để Trung Quốc không đủ sức tấn công các đảo của chúng ta.

Trong kháng chiến chống Mỹ, toàn miền Bắc trên 30 triệu dân đã ăn bo bo, mặc quần đùi, dồn sức người cho đồng bào và bộ đội miền Nam đánh thắng. Nếu lúc bấy giờ cả miền Bắc không dồn sức thì không thể có ngày 30/4/1975. Bây giờ muốn bảo vệ Biển Đông thì hơn 90 triệu dân, toàn bộ hệ thống chính trị phải dồn sức cho bảo vệ Biển Đông, tăng cường sức mạnh quốc phòng. Quan trọng nhất là tạo được ổn định để người chiến sĩ ngồi ngoài kia yên trí rằng không bao giờ sợ bị cô lập. Miền Nam trước đây thuận lợi hơn người chiến sĩ ngoài kia rất nhiều vì đất liền một dải. Trở về sau chuyến đi tôi có báo cáo với đồng chí Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng chúng ta phải làm sao để anh em ngoài Trường Sa luôn luôn có niềm tin rằng đằng sau họ là gần 100 triệu dân người dân và Trung Quốc không bao giờ dám làm với chúng ta.

 

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng định hướng đầu tư cho an ninh quốc phòng như dự thảo báo cáo chính trị nêu ra là phù hợp.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng định hướng đầu tư cho an ninh quốc phòng như dự thảo báo cáo chính trị nêu ra là phù hợp.

 

Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc là 3 khu vực trọng điểm về an ninh quốc phòng thì chúng ta có 3 ban chỉ đạo, do Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công an làm trưởng ban, tôi thấy thường xuyên họp. Nhưng cả Biển Đông mênh mông không thấy có ban chỉ đạo nào. Tôi có hỏi thì được biết có ban chỉ đạo quốc gia về Biển Đảo, nhưng tôi không thấy thể hiện. Không thấy thể hiện rõ nhất là Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 cho dân vay tiền đóng tàu cỡ lớn ra biển khơi, nhưng 2 năm rồi mà hôm rồi đọc báo tôi thấy mới thực hiện được 10%. 10% thì được bao nhiêu tiền, trong lúc còn đang thắc mắc, cãi nhau là đóng tàu sắt hay tàu gỗ, dùng máy mới hay máy cũ mới được vay...  Rõ ràng việc đó không có người đứng ra để bàn bạc kỹ lưỡng, có chỉ đạo, thực hiện. Như chúng tôi đánh giặc ấy, phải bàn kỹ lưỡng khi nào đánh, đánh như thế nào, lực lượng đâu, lực nào đánh trước đánh sau,... Trong lúc đó, gần đây có chuyện Trung Quốc huy động một lần 4.000 tàu đánh cá vỏ thép ra Biển Đông.

Muốn bảo vệ được 1 triệu km2 biển đảo thì hàng ngày phải có khoảng 2 triệu ngư dân đánh cá ngoài biển khơi, xem như đó là ao nhà của ta. Còn bây giờ lèo tèo thì không ăn thua, yên tâm thế nào được.

Trước đây tôi đã đề nghị thế này: Nếu ngư dân chuyên đánh cá ngoài đảo xa, nhà nước phải nuôi người ta. Ngư dân như người canh biển, tai mắt cho đảo. Giữa mênh mông biển nước như thế thì phải có tai mắt của ngư dân. Khi nào bão tố, địch họa, có chuyện gì thì xem họ như những người liệt sĩ. Hơn 90 triệu dân Việt Nam hãy nuôi lấy 2 triệu dân đánh cá. Phải là như vậy, quyết liệt như vậy thì mới giữ được biển đảo.

Khi đã có hệ thống như vậy rồi thì phải có hậu cần, các đảo phải là điểm dừng cho ngư dân, tiếp tế xăng dầu, mua lại cá. Ở trên đảo Trường Sa lớn phải tổ chức chế biến. Tôi không hiểu rõ về lĩnh vực này, nhưng chúng ta phải có một hệ thống liên hoàn, hoàn chỉnh để đánh bắt cá xa bờ, đảm bảo cho ngư dân đánh cá ngoài kia sẽ làm tai mắt cho hệ thống biển đảo của chúng ta.

Thực hiện Nghị định 67 như vừa qua thì tôi chưa yên tâm. Hệ thống nhà nước phải ngồi lại bàn nhau về bảo vệ Biển Đông thì có nghị quyết mới thành hiện thực được. Nói thì hay nhưng đi vào tổ chức thực hiện như những năm vừa qua thì tôi chưa yên tâm.

Đó là chưa nói trên đất liền. Đất nước chúng ta 3 bề, 4 bên có những khu vực nhạy cảm. Đất nước không thể yên được nếu không tập trung cho an ninh quốc phòng để giữ vững hòa bình ổn định mà làm ăn. Nhưng vấn đề quốc phòng có thực hiện được hay không, hiệu quả hay không thì phụ thuộc rất lớn vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Thực tế đã chứng minh rồi, khi nào Đảng mạnh, trong sạch thì nhân dân yên. Nghị quyết Trung ương 4 đã nói rồi có một bộ phận Đảng viên, cán bộ suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống đã uy hiếp vai trò của Đảng, làm xói mòn niềm tin của dân. Nói đến Đảng phải nói tới Nhà nước, nghị quyết hay rồi nhưng tổ chức thực hiện là hệ thống bộ máy nhà nước mà thực hiện như vừa qua tôi thấy chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi nhìn lợi ích trước mắt mà bỏ quên mất lợi ích về quốc phòng an ninh. Điển hình như chuyện ở đèo Hải Vân mà chúng ta đã biết rồi, bây giờ báo chí lại đang nói tới quy hoạch ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giao cho một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện. Quy hoạch phải đi đầu tiên, phải nắm tất cả thông tin kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, văn hóa, dân cư,... mới thực hiện được. Nếu có làm như vậy thì các cấp ủy, chính quyền địa phương phải hết sức cảnh giác. Con mắt quốc phòng an ninh phải nhìn cả 4 phương 8 hướng, nhìn trước nhìn sau, nhìn trái nhìn phải, phải nhìn không gian 4 chiều xem cái gì yên, cái gì chưa yên. Chúng ta đánh giặc đâu chỉ nhìn đằng trước đâu, chỉ nhìn đằng trước là thua luôn, bởi địch đánh từ đằng sau tới, thậm chí thua vì bị đánh từ hai bên trái phải.

Ông có nói tới công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Vậy thời gian tới phải xử lý tận gốc vấn đề này ra sao cho đạt hiệu quả?

Chống tham nhũng không phải chỉ chăm chăm đi xử án, mà phải làm thế nào để không xảy ra tham nhũng. Những người tham nhũng là người ở trong bộ máy, chứ người dân thường, người về hưu như chúng tôi thì làm sao có thể tham nhũng. Nói tóm lại công tác tổ chức cán bộ phải đặt lên hàng đầu.

Tôi còn nhớ trước kia đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư nói rằng nguyên nhân của tất cả mọi nguyên nhân về ưu khuyết điểm là công tác cán bộ. Công tác tổ chức cán bộ là khâu đầu vào. Nếu làm khâu này tốt rồi thì trong điều kiện cơ chế thị trường hiện nay phải biết quản lý, giám sát cho tốt. Giám sát cán bộ phải dựa vào con mắt của hàng chục triệu dân. Che ai được chứ không thể che được con mắt của nhân dân đâu, trong đó có các nhà báo. Giám sát bên trong, giám sát bên ngoài, khi có ý kiến nhân dân thì phải kiểm tra lại.

Như ông nói thì khi có dư luận như việc “cả họ làm quan” thì phải kiểm tra, làm rõ ngay xem đúng sai thế nào?

Tôi được biết Hà Nội đã yêu cầu điều tra ngay thông tin sự việc "cả họ làm quan". Đó là thái độ nghiêm túc đáng hoan nghênh.

Tôi già rồi nhưng tôi luôn ủng hộ lớp trẻ nếu họ có ý chí, nghị lực phục vụ nhân dân. Lớp trẻ bây giờ rất giỏi, nhưng giỏi mà không có đức, mà chỉ có tài không thôi thì nguy hiểm lắm. Nếu Đảng phát hiện có vấn đề gì, Chủ tịch, Bí thư nghe vấn đề này, vấn đề kia thì phải chỉ đạo kiểm tra ngay. Phải làm, xem như sinh hoạt thường xuyên để làm trong sạch bộ máy.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)