Tổng thống Obama thăm Việt Nam:

Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương: Khó có thời điểm nào phù hợp hơn

(Dân trí) - Nếu Mỹ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì chưa thể nói quan hệ hai nước bình thường hóa thực sự. Có lẽ khó có thời điểm nào thuận lợi hơn chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama sắp tới để Mỹ tuyên bố việc dỡ bỏ lệnh cấm này.

Đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Lê Công Phụng và Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao - Tiến sỹ Trần Việt Thái trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama.

Cần thống nhất ASEAN để ngăn chặn Trung Quốc

Theo ông, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Obama, vấn đề Biển Đông sẽ được hai bên đề cập thế nào?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Chắc chắn Biển Đông sẽ là vấn đề mà hai bên sẽ trao đổi đề cập trong chuyến thăm này bởi lẽ quan tâm của Việt Nam và Mỹ trùng khớp nhau, đều vì hòa bình ổn định ở khu vực.

Mỹ là cường quốc, dù có thể không tham gia vào các cuộc tranh chấp biên giới lãnh thổ, nhưng Mỹ có thể sẵn sàng hỗ trợ các nước liên quan trực tiếp tự bảo vệ mình thông qua việc hỗ trợ họ nâng cao năng lực hàng hải.

Theo tôi, chúng ta nên trao đổi với Mỹ rằng, Mỹ cần giúp để tăng cường tính thống nhất trong ASEAN vì một khi ASEAN đoàn kết sẽ là nhân tố vô cùng quan trọng để ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc. Tại sao Trung Quốc có thể dùng sức mạnh kinh tế để chia rẽ ASEAN mà Mỹ là siêu cường số 1 lại không thể thống nhất ASEAN?

Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến nay ASEAN vẫn chưa đạt được tiếng nói chung cần thiết về vấn đề Biển Đông, tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy một cách không hòa bình để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông.

Mỹ có đồng minh, bán đồng minh, đồng minh không chính thức ở ASEAN, điều này rất thuận lợi cho Mỹ giúp thúc đẩy đoàn kết ASEAN. Mỹ giờ đã thay đổi, sẵn sàng bỏ tiền hỗ trợ các nước trong khu vực củng cố năng lực hàng hải, bảo vệ chủ quyền của họ, không tính tới việc Mỹ sẽ nhận được gì ngay trước mắt mà là lợi ích lâu dài của họ.

TS. Trần Việt Thái: Về vấn đề Biển Đông, hai nước Việt Nam và Mỹ chia sẻ lập trường chung về việc tôn trọng tự do, an toàn hàng hải, hàng không; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc DOC và hướng tới COC. Đây đều là những vấn đề có tính cốt lõi.

Trong chuyến thăm này, hai nước cũng có thể sẽ thảo luận về những vấn đề cụ thể hơn như việc Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực nhận thức và thực thi pháp luật trên biển, qua đó Việt Nam có thể bảo vệ tốt hơn hoạt động và quyền lợi của ngư dân trên biển cũng như chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ động bảo vệ chủ quyền, không trông chờ

Ông bình luận thế nào về quan điểm cho rằng, bản thân nước Mỹ cũng thiếu những ý tưởng để kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông, hay hành động của Mỹ chưa đủ mạnh?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Có thể nói thế này, tôi cũng như các bạn và nhiều người dân Việt Nam có một suy nghĩ phần nào đấy hơi thái quá, là cho rằng Mỹ khỏe, lực lượng mạnh mà chưa thể kiềm chế được hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ phải làm thế nào để giúp Việt Nam chứ?

Chúng ta nên bình tĩnh để phân biệt rõ hai vấn đề khác nhau: Một là tranh chấp biên giới lãnh thổ. Hai là hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, tự ta phải làm, không thể trông chờ vào Mỹ vì Mỹ không thể hy sinh lợi ích của Mỹ để giành đảo, giành chủ quyền cho chúng ta.

Nếu trường hợp Mỹ và Trung Quốc xung đột trực tiếp trên Biển Đông thì các nước trong khu vực sẽ bị thiệt hại đầu tiên. Và một mình Mỹ cũng không thể làm gì được để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nên Mỹ có thể sẽ phải tập hợp lực lượng để can dự.

Là siêu cường số 1 thế giới với tiềm lực không ai sánh nổi về nhiều mặt, Mỹ cần vận động, tuyên truyền cho cả thế giới về sự đồng thuận chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Mỹ sẽ có những hành động mạnh hơn đối với vấn đề Biển Đông.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn Dân trí
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn Dân trí

TS. Trần Việt Thái: Thực ra không phải Mỹ thiếu ý tưởng, mà họ là siêu cường toàn cầu nên phải quan tâm nhiều vấn đề. Hơn nữa, Mỹ không phải là bên có tranh chấp trên Biển Đông nên họ rất thận trọng. Làm gì cũng phải cân nhắc kỹ, phải có cơ sở, lý do chính đáng.

Hiện nay họ tiếp cận vấn đề Biển Đông bằng nhiều cách như tăng cường hợp tác đa phương khu vực, nhất là trong khuôn khổ các cơ chế của ASEAN, quan tâm tới vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải hàng không… Đáng chú ý, Mỹ chưa ký UNCLOS 1982, nhưng lại là nước tích cực vận động các nước tôn trọng luật biển, trong khi Trung Quốc, một thành viên P5 và đã ký UNCLOS 1982 lại tuyên bố công khai không chịu sự ràng buộc của vụ kiện tại Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển. Mỹ cũng công khai chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông với tông giọng về vấn đề Biển Đông ngày càng tăng. Mỹ cũng muốn giúp một số nước ASEAN nâng cao năng lực…

Còn đánh giá Mỹ làm đủ mạnh hay chưa thì phải xem đặt trên cơ sở nào. Theo tôi, nếu nhìn từ góc độ lợi ích quốc gia của Mỹ, họ đã làm đủ mạnh để bảo vệ những cái mà họ có lợi. Còn nếu là các nước trong khu vực thì chắc chắn đều muốn Mỹ làm mạnh hơn nữa.

Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương: Khó có thời điểm nào phù hợp hơn

Được biết hợp tác quốc phòng an ninh là một trong những nội dung quan trọng của chuyến thăm. Ông đánh giá thế nào về khả năng Mỹ sẽ tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến công du của ông Obama? Và điều này quan trọng thế nào đối với Việt Nam?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ một phần vũ khí sát thương cũng là một bước tiến lớn trong quan hệ hai nước, tuy thực tế là đến nay, chúng ta vẫn chưa có điều kiện tài chính để mua vũ khí của Mỹ.

Nếu trong chuyến thăm này ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần bởi nó khẳng định quan hệ hai bên đã được bình thường hóa hoàn toàn. Còn nếu không, quan hệ Việt - Mỹ vẫn có những cản trở nhất định.

Theo tôi, Mỹ sẽ không đưa ra nhiều điều kiện để yêu cầu Việt Nam đáp ứng trong việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này vì đây không là cái mà Việt Nam phải trả giá để có được. Mỹ cần thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, đã chấp nhận chế độ chính trị của ta, trong khi đó, quan hệ hai nước đang tốt dần lên với những khác biệt đang dần được thu hẹp.

TS. Trần Việt Thái: Tôi cho rằng nhìn vào những động thái trước chuyến thăm, ví dụ như việc các tập đoàn lớn của Mỹ như Boeing hay Lockheed Martin vừa vào Việt Nam gần đây, tôi tin rằng trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama, phía Mỹ sẽ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ, phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, thể hiện sự tin cậy giữa hai nước.

Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ giúp ông Obama tạo được dấu ấn cá nhân trong việc đưa quan hệ Việt – Mỹ thực sự trở lại bình thường. Hơn nữa, Việt Nam là đối tác tích cực, chủ động đóng góp cho hòa bình, ổn định thế giới. Việc mua sắm các trang thiết bị quốc phòng của Việt Nam từ các đối tác, dù là Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào, chỉ nhằm mục tiêu tự vệ. Mỹ đã thấy rõ thiện chí đó của Việt Nam. Do vậy, không dỡ vào lúc này thì có lẽ sẽ khó có thời điểm nào khác phù hợp hơn.


Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư hồi tháng 7/2015 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư hồi tháng 7/2015 (Ảnh: AFP)

Dư địa lớn trong hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ

Có quan điểm cho rằng, Việt Nam vẫn có thể tận dụng dư địa trong hợp tác với Mỹ mà không ảnh hưởng gì tới “chính sách 3 không”, chẳng hạn như phối hợp với Mỹ để tập trận trên Biển Đông hay cho tàu Mỹ vào cảng Cam Ranh để giúp thúc đẩy hòa bình an ninh trong khu vực? Ông nghĩ sao?

Nguyên Đại sứ Lê Công Phụng: Chúng ta thúc đẩy quan hệ với Mỹ là rất tốt, nhưng phải cân nhắc sao cho giữ cân bằng được quan hệ với Trung Quốc. Đến nay, chúng ta làm tốt việc này, tuy nhiên, có lúc dư luận bức xúc sao không làm thế này, thế kia? Chúng ta phải tính toán kỹ vì khi Việt - Trung đang căng thẳng như vậy mà tập trận song phương với Mỹ khác gì đổ dầu vào lửa. Nhưng nếu chúng ta tập trận đa phương với Mỹ và các nước khác trong khu vực thì hoàn toàn bình thường, phù hợp với đường lối hội nhập về an ninh quốc phòng. Việc tập trận chung đa phương đó cũng nhằm giải quyết vấn đề cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.

Chúng ta phải mạnh lên, phải tận dụng khai thác nguồn lực thế giới. Chẳng hạn Mỹ cần chúng ta trong chiến lược của họ, không có lẽ gì chúng ta không khai thác, tận dụng để thúc đẩy quan hệ với họ, trong khi vẫn đảm bảo cân bằng được quan hệ với Trung Quốc. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ, không phải e ngại Trung Quốc mà lỡ cơ hội.

TS. Trần Việt Thái: Quan hệ đối tác Việt – Mỹ vẫn còn nhiều dư địa trên hầu hết các lĩnh vực. Về hợp tác quốc phòng thì còn rất nhiều cơ hội, có nhiều hình thức hợp tác khác nhau, chứ không chỉ là tập trận hay thăm viếng cảng biển.

Còn với chính sách 3 không của Việt Nam, đây là chính sách ra đời trong bối cảnh Việt Nam vừa giải quyết xong vấn đề Campuchia vào đầu những năm 1990, rất cần hòa bình, ổn định để phát triển. Lúc đó vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nhất là chủ quyền biển đảo, chưa nổi lên phức tạp và gay gắt như hiện nay. Đó cũng là cam kết và thiện chí đóng góp cho hòa bình, ổn định của Việt Nam để xây dựng lòng tin với các nước bạn bè, đối tác xa gần.

Hiện nay, tình hình khu vực và thế giới trở nên phức tạp hơn, vấn đề Biển Đông nổi lên gay gắt hơn; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp. Hơn nữa, công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước ta ngày càng đi vào chiều sâu. Về cơ bản, tinh thần cốt lõi của chính sách ba không vẫn được giữ vững, nhất là các cam kết hòa bình và thiện chí của Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã làm rõ chính sách quốc phòng của Việt Nam chỉ có mục đích tự vệ, không đe dọa ai.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang từng bước có những điều chỉnh nhất định để cho phù hợp với bối cảnh mới. Việt Nam đã và sẽ gửi lực lượng phi chiến đấu tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (như quan sát viên quân sự, quân y, công binh…), hay vừa qua chúng ta đã tham gia diễn tập đa phương trong khuôn khổ ADMM+… Đó là những ví dụ cho thấy nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong chính sách đối ngoại quốc phòng nói riêng và đối ngoại nói chung của Việt Nam.

Còn đối với cảng Cam Ranh, từ 8/3/2016 vừa qua, cảng Cam Ranh đã trở thành thương cảng quốc tế. Mà đã là thương cảng thì phải mở cửa. Tàu bè nước ngoài vào sửa chữa, muốn sử dụng các loại hình dịch vụ hậu cần và thanh toán trên cơ sở thương mại, thỏa thuận thì hoàn toàn có thể tiếp cận Cam Ranh, cho dù đó là tàu của nước nào.

Trân trọng cảm ơn hai ông!

Nam Hằng (thực hiện)