Quảng Nam:
Điện Bàn lên thị xã, đón Huân chương Độc lập hạng Nhì
(Dân trí) - Tối ngày 27/3, lãnh đạo và nhân dân huyện Điện Bàn (Quảng Nam) đã tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng (29/3/1975-29/3/2015); đồng thời đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và công bố thành lập thị xã Điện Bàn.
Trong diễn văn tại buổi lễ, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch huyện Điện Bàn - cho biết: Điện Bàn là địa phương giáp ranh với căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng. Trong chiến tranh, Điện Bàn là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tập trung đánh phá nặng nề, ác liệt với mọi thủ đoạn tàn bạo, bằng mọi loại vũ khí và phương tiện hiện đại nhằm hủy diệt sự sống, đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng địa phương hòng biến nơi đây thành vành đai trắng... nhưng suốt 30 năm vẫn không khuất phục được lòng yêu nước và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân Điện Bàn.
Chính bản lĩnh và ý chí kiên cường của người Điện Bàn đã làm nên chiến thắng Bồ Bồ oai hùng vào ngày 20/7/1954, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược nước ta của thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, những địa danh Điện Ngọc, Bình Long, Gò Nổi... vang lừng chiến công, những tấm gương bất khuất của các dũng sỹ Điện Ngọc, của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, của mẹ Thứ, mẹ Sâm… mãi mãi đi vào sử sách. Mảnh đất kiên trung này là địa bàn hoạt động chiến lược của các cơ quan lãnh đạo tỉnh, quân khu, tạo bàn đạp cho các đơn vị bộ đội chủ lực tấn công giải phóng Điện Bàn và Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975, góp phần tích cực làm nên đại thắng mùa xuân 30/4/1975.
Qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân Điện Bàn đã hy sinh xương máu vô cùng to lớn với hơn 40 ngàn người vĩnh viễn ra đi, trong đó có trên 19 ngàn liệt sỹ hy sinh khắp các chiến trường; gần 8 ngàn thương binh, bệnh binh hiện trong người vẫn còn mang thương tật, di chứng chiến tranh.
Điện Bàn cũng vinh dự với 60 cá nhân, 5 tập thể và 19/20 xã, thị trấn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 2.176 Bà Mẹ được Nhà nước truy tặng, phong tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Sau ngày hòa bình lặp lại trong bộn bề gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Điện Bàn đã phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn để khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới dự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự đồng thuận của nhân dân cùng với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh về nhiều mặt, tình hình kinh tế - xã hội của Điện Bàn tiếp tục chuyển biến sâu sắc.
Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, huyện đã dồn sức, dồn lực, triển khai thực hiện nhiều chương trình đầu tư phát triển, cải thiện an sinh xã hội với quy mô lớn, tốc độ nhanh, hiệu quả cao và bền vững. Vì vậy, năm 2005 huyện đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời thời kỳ đổi mới”.
“Trong 40 năm qua, Điện Bàn đã có những bước tiến vượt bậc. Đến cuối năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nông nghiệp chỉ còn 4,46% trong cơ cấu của nền kinh tế so với 76,46% vào năm 1975, lao động trong nông nghiệp còn 27,83%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,46%...”, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch huyện Điện Bàn phát biểu.
Trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, chính quyền và nhân dân Điện Bàn đón nhận 2 tin vui: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng thưởng “Huân chương Độc lập hạng Nhì” cho nhân dân và cán bộ huyện Điện Bàn; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quyết nghị thành lập thị xã Điện Bàn trên cơ sở toàn bộ 21.471ha diện tích tự nhiên, 22.907 nhân khẩu và 20 đơn vị hành chính cấp xã huyện Điện Bàn.
Theo đó, địa giới hành chính thị xã Điện Bàn gồm: Đông giáp TP Hội An và Biển Đông, Tây giáp huyện Đại Lộc, Nam giáp huyện Duy Xuyên và Bắc giáp TP Đà Nẵng với 7 phường và 13 xã trực thuộc.
Công Bính