Cuối 2018, thuế xăng “kịch trần” 4.000 đồng/lít, đến 2020 mới được tăng tới 8.000 đồng

(Dân trí) - Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua. Tất cả các đại biểu tham gia biểu quyết đều nhất trí nguyên tắc, ít nhất đến đầu 2020, trần mới của thuế bảo vệ môi trường đối với xăng mới có thể lên 8.000 đồng/lít…

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Theo Nghị quyết, Quốc hội bổ sung 5 dự án luật, 1 nghị quyết vào chương trình 2018.

Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thông qua tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018). Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công đều được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang họp thứ 6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Về, nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, cơ quan thường trực sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, dự kiến sẽ tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, theo đề nghị của Chính phủ.

Quốc hội cũng quyết định điều chỉnh thời gian trình 2 dự án luật: luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án hình sự sang cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế bảo vệ môi trường được lùi từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2019. Như vậy, theo đúng quy trình, ít nhất kỳ họp thứ 9, đầu năm 2020, dự án luật mới được thông qua, đồng nghĩa với trần thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giữ ổn định ở mức 4.000 đồng/lít thay vì mức 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đề xuất.

3 dự án được đưa ra khỏi chương trình năm 2018 là Luật Dân số, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Công an xã.


Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua. (Ảnh: Như Phúc)

Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua. (Ảnh: Như Phúc)

Năm 2019, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua tổng cộng 28 dự án luật, trong đó có một số dự án luật đáng chú ý như: Luật Hành chính công (sáng kiến lập pháp đầu tiên của đại biểu Quốc hội, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp...

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về hoạt động lập pháp, UB Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu về việc chương trình xây dựng luật chưa sát thực tế; công tác tổng kết thực tiễn trong xây dựng luật chưa toàn diện; một số báo cáo đánh giá tác động chính sách còn sơ sài; nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chưa dành thời gian hợp lý, đề cao trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án; hồ sơ gửi chậm; việc lấy ý kiến còn hình thức; công tác thẩm định, thẩm tra một số dự án chất lượng chưa cao...

UB Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ cùng với Chính phủ nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện chương trình.

P.Thảo