Coi nhẹ, buông lỏng giáo dục đạo đức cán bộ?
(Dân trí) - Phát biểu trước Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 3/11, đại biểu Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận xét, cán bộ đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp khi đến đâu đó chỉ đạo thì chỉ tập trung nói nhiều về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng chính trị chung chung.
Theo ông Thống, đề cập những vấn đề đó là đúng nhưng chưa đủ. Hầu như không thấy ai nói nhiều về đạo đức, phong cách.
“Bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính” có chăng chỉ nói đến chữ “cần”, còn “kiệm, liêm, chính” thì chỉ thấy Tổng Bí thư và các giảng viên học viện, nhà trường nói khi giảng dạy. Khi xem xét bố trí cán bộ thì nặng về hiệu quả công tác, sự nhanh nhạy, năng động, nhưng ít nói về đạo đức” – ông Thống nói.
Đại biểu đặt vấn đề, công tác cán bộ là then chốt thì thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác cán bộ là công việc quan trọng bậc nhất của lãnh đạo. Vì vậy, cần phải tập trung kiểm tra từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí cán bộ.
Kiểm tra, thanh tra phải chặt chẽ, gắn với xử lý, kỷ luật phải nghiêm. Phó Bí thư Yên Bái chia sẻ, từ thời sinh viên mới ra trường ông đã nghe những giai thoại về việc “thanh tra, kiểm tra nằm ngửa thấy bác này, nằm nghiêng thấy bác kia”, làm việc rất quyết liệt.
Ông Thống cho rằng, nếu rà soát sửa đổi cả bộ máy hệ thống hợp lý hơn, ít tổ chức, đầu mối hơn, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ kiên quyết hơn, cộng với thực thi đúng luật pháp, chính sách gắn với rèn nắn phong cách, lối sống trong sạch, vì dân thì sẽ hạn chế được chủ nghĩa cá nhân và lòng tham. Khi đó, nhà nước chắc chắn giảm được chi ngân sách vào bộ máy. Nguồn lực đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tham nhũng, nhũng nhiễu sẽ giảm. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ sẽ được nâng lên.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát sửa đổi một cách tổng thể cả bộ máy hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực. Nguyên lý là phải giảm được cả tổ chức và con người, trong đó bộ máy phải giảm 20% trở lên chứ không phải 10%.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị lập ủy ban lâm thời của trung ương tập trung rà soát tham mưu để trong vòng 1-2 năm thì thiết kế tổng thể, rà soát lại, cắt giảm bộ máy, sau đó cấp có thẩm quyền phê duyệt để thi hành trong 1-2 năm để gọn bộ máy lại, giảm nhân sự.
Ngoài ra, Quốc hội khi tiến hành sửa đổi, bổ sung luật, nguyên tắc cần tuân thủ là không được tăng bộ máy, biên chế. Hàng năm Chính phủ, các cơ quan nhà nước khác phải báo cáo Quốc hội về việc thực hiện tinh giảm bộ máy, số kinh phí tiết giảm được trong chi thường xuyên.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ, trong đó có tinh giảm biên chế, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương về đạo đức, lối sống, tài sản. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ, trong đó chú trọng rèn về đức “cần, kiệm, liêm, chính”, tôn trọng và phục vụ dân.
“Muốn làm được vậy thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới” – ông Thống chốt lại phần phát biểu của mình.
P Thảo