Chủ tịch Quốc hội không đồng ý cho TPHCM tăng các loại thuế
(Dân trí) - “Trao quyền tăng một số loại thuế như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… có thể chấp nhận được. Nhưng Chính phủ đề nghị cho TPHCM tăng mọi chính sách thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu thì tôi không đồng ý vì việc đó làm mất đi sức cạnh tranh của thành phố”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Đầu tàu đang chạy… chậm lại
Thảo luận tại tổ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM sáng 14/11, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) nêu quan điểm tán thành với việc trao quyền tự chủ cho thành phố được quyết định tăng các mức thuế, thí điểm thêm thuế tài sản để tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố với nguyên tắc “mở ra để thu hút đầu tư chứ không phải để cản trở sức cạnh tranh của thành phố”.
“Mở ra tạo các sắc thuế mới để tăng thu nhưng phải làm thế nào để không cản trở thành phố, nhất là với việc thực hiện chương trình chống ngập” – ông Phương nói.
Đại biểu phân tích, tình trạng ngập lụt đã gây nhiều hậu quả nặng nề với TPHCM. Mỗi lần lên TPHCM công tác, ông Phương chia sẻ, lo nhất là chiều về mà mưa vì thấy mưa là hiểu “thôi rồi”, không biết đến khi nào về được Cần Thơ. Khoản tiền 18.800 tỷ đồng cho chương trình chống ngập của thành phố, theo đó, đại biểu khuyến cáo là cần cấp đủ cho TPHCM chứ không thể “cắt”.
Về cơ chế tự chủ, tự quyết việc tăng lương cho cán bộ, công chức, chuyên gia, nhân tài của TPHCM, ông Phương nhận định là việc cần làm. Liên hệ với tình trạng “chảy máu chất xám” ở khu vực nhà nước khi nhiều người không sống nổi với mức lương công chức, đại biểu nhấn mạnh, ở TPHCM, mức sống, giá cả sinh hoạt cao hơn, áp lực càng lớn. Vậy nên tự chủ việc trả lương là hướng tốt để giúp giữ người tài.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản nhất nghị quyết này cần tuân thủ là có thể “vượt” luật nhưng nhất định không được đứng trên Hiến pháp, không được trái với những cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, không được làm ảnh hưởng tới cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, làm “phạm” trần nợ công.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, hiện TPHCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất cả nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách TƯ cũng lớn nhất, thu 100 đồng thì chỉ được để lại 18 đồng, còn 72% là điều tiết về ngân sách Trung ương. Vừa qua, TPHCM phải chịu áp lực rất lớn với việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại, từ 23% xuống còn 18%, giảm liền 5%.
“Tôi theo dõi quá trình phát triển thành phố, nhất là về ngân sách thì tôi cho rằng với TPHCM mà tỷ lệ điều tiết, để lại dưới 20% thì không thể nào phát triển được. Vừa qua, dù tình hình nhìn chung vẫn đi lên, thành phố vẫn phát triển nhưng tốc độ đã chậm hơn. Mà vùng động lực, đầu tàu lại chậm thì tất cả những toa kéo theo cũng sẽ chậm đi, rất đáng lo ngại” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định quan điểm “đầu tư cho TPHCM cũng là đầu tư cho cả nước” thì mới mong thoát ra được khỏi những vướng mắc quàng chân. Người đứng đầu Quốc hội nhắc lại câu chuyện về cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nguồn lực nắm trong tay cần trao trước hết cho người giỏi, người biết làm ăn để người đó bứt lên, thành động lực giúp kéo những người khác theo, không chia nhỏ, chia đều để tất cả cũng nắm tay nhau tiếp tục… nghèo.
Gỡ bỏ vướng mắc kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua tương”
Đi vào những vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề cập đề xuất cho thành phố thực hiện thu thuế tài sản. Vấn đề này, lãnh đạo Quốc hội cho rằng dù đã được đề cập trong kế hoạch tài chính 3 năm nhưng Quốc hội lại chưa ban hành luật. Trong khi đó, Hiến pháp quy định, chỉ có Quốc hội mới được ban hành sắc thuế mới. Cho thí điểm về loại thuế này, theo đó, có thể gây cú sốc trước hết với thị trường bất động sản, làm thị trường này lao dốc.
Việc trao quyền cho TPHCM được quyết định việc tăng mức thuế, theo Chủ tịch Quốc hội, với một số loại thuế thì có thể chấp nhận được như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hoá xa xỉ…
“Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị cho TPHCM tăng mọi chính sách thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu thì tôi không đồng ý. Cái đó làm mất đi sức cạnh tranh của thành phố” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nghiêng về hướng ủng hộ những cơ chế giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, thu hút nhân lực, trả lương người tài… Nguyên lý chung trong vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là cần giao quyền điều hành linh hoạt, gỡ bỏ những cứng nhắc kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua tương, không ăn mắm thì cũng không thể chuyển sang mua tương được”.
Tán thành hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, các cơ chế cần tập trung vào để tháo gỡ những điểm nghẽn với TPHCM như vấn nạn ùn tắc giao thông (cả đường bộ, đường hàng không), ngập úng và quá tải dân cư chứ không phải cứ tăng các loại thuế để có thêm nguồn thu là được vì như thế nghĩa là không có gì để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Ông Thanh phân tích, chính TPHCM phải chủ động trong việc điều hành. Ông Thanh dẫn chứng dự án metro Bến Thành – Suối Tiên, đã đội vốn lên nhiều lần, tới mức gần 50.000 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định rồi mà tới nay vẫn chưa thấy báo cáo của thành phố cũng như Chính phủ trình tra trong khi các nhà thầu đã dừng thi công rồi mà dự án chậm lại thì hệ quả rất lớn.
P. Thảo