Chính phủ muốn để TPHCM tự quyết mức trả lương nhân tài

(Dân trí) - Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM có nhiều đề xuất “vượt khung”, trong đó có việc uỷ quyền quyết định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, được tự quyết mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học tìa năng đặc biệt...

Dự thảo Nghị quyết do Chính phủ xây dựng được gửi tới Quốc hội để xem xét, quyết định vấn đề tại kỳ họp thứ 4 này. Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Về vấn đề quản lý tài chính, ngân sách, HĐND TPHCM báo cáo Chính phủ xin thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu nói trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

TPHCM được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước.
TPHCM được xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TP.HCM được quyết định một số việc, như: sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi thu nhập tăng thêm.

Cho phép các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định của nghị quyết.

Liên quan đến vấn đề chi cho bộ máy, nhân lực, Chính phủ đề xuất cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn trực thuộc. HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố.

UBND TPHCM cũng được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn trực thuộc, để phù hợp với đặc điểm của thành phố.

Giải thích về những lý do đưa ra các cơ chế, như về thẩm quyền ban hành phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục Luật Phí và lệ phí quy định: giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các phí, lệ phí, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Với những đề xuất cho phép được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ hạ tầng, tăng chi đầu tư mua sắm, chi thu nhập tăng thêm, Chính phủ cũng giải thích, nghị quyết của Đảng và Quốc hội quy định: các địa phương phải tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, đối với các địa phương có nguồn còn dư sau khi thực hiện cải cách tiền lương phải chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương cho thời kỳ tiếp theo.

Trong thời gian qua, TPHCM là địa phương không những luôn tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn. Vì vậy, để chủ động cho thành phố và tránh lãng phí nguồn lực, cho phép thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ như trên.

Nếu được Quốc hội thông qua thì nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm.

P. Thảo