Góp ý dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng:

Chống tham nhũng cần quyết liệt hơn nữa!

(Dân trí) - Góp ý dự thảo các văn kiện trình đại hội XII của Đảng, đảng viên và nhân dân TPHCM đề nghị Trung ương quyết liệt hơn trong công tác chống tham nhũng. Bởi tệ tham nhũng đã được xác định là quốc nạn, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

 

Đảng viên, nhân dân TPHCM đề nghị Trung ương xử lý tham nhũng quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ tới
Đảng viên, nhân dân TPHCM đề nghị Trung ương xử lý tham nhũng quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ tới

Góp ý về nhiệm vụ thứ 10 trong phần “Mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm 2016 – 2020”, nhân dân TPHCM cho rằng: “Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu các nguy cơ, trong đó có nguy cơ tham nhũng, quan liêu,… gây mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Nhưng trong nhiệm vụ tổng quát chỉ nêu chung chung, đề nghị Trung ương cần có giải pháp quyết liệt hơn”.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X đã thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của Đảng bộ Thành phố góp ý dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Báo cáo này tổng hợp ý kiến từ đại hội của 2.346 tổ chức cơ sở đảng và 67/67 đảng bộ quận, huyện, cấp trên cơ sở; ý kiến góp ý của cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu, Mặt trận Tổ quốc, nhân sĩ, trí thức, các vị chức sắc tôn giáo, đại biểu đồng bào các dân tộc, các tổ chức chính trị - xã hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Tổng cộng Đảng bộ TPHCM đã tiếp nhận 14.300 ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý, nội dung chống tham nhũng được đảng viên, nhân dân TPHCM nhắc đi nhắc lại nhiều lần và đề nghị xử lý kiên quyết hơn.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo báo cáo đã mạnh dạn đánh giá các hạn chế khuyết điểm, nhưng chưa có giải pháp khắc phục; nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI; việc kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 hàng năm chưa tương xứng như tinh thần triển khai thực hiện ban đầu. Cụ thể, báo cáo ghi: “Công tác chống tham nhũng đạt hiệu quả thấp; kỷ cương, kỷ luật trong Đảng chưa nghiêm...”.

Đảng viên và nhân dân TPHCM đề nghị: “Cần quán triệt lại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, kiểm điểm làm rõ các sai phạm của cán bộ và phải xử lý ngay, không điều động, luân chuyển hoặc chờ nghỉ hưu, cần phải kiên quyết mới thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tình trạng thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”.

Thậm chí, một số ý kiến còn đề nghị: “Cần có biện pháp mạnh nhằm khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, ngày càng xa rời quần chúng, thờ ơ, vô cảm với khó khăn, bức xúc của nhân dân”.

Báo cáo thẳng thắn nêu ý kiến của nhân dân thành phố: “Trung ương có giải pháp “chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp trong cán bộ đảng viên ở mọi cấp”; tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ vì đây là vấn đề gây nhiều bức xúc trong cán bộ đảng viên...”.

Trong phần đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, TPHCM đánh giá tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm làm trì trệ nền kinh tế. Một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế là do: tiêu cực, hối lộ, tham nhũng, lợi ích nhóm, ngành, tư duy nhiệm kỳ của một số cấp lãnh đạo,...

Báo cáo nêu: “Một số ý kiến cho rằng tình hình chống tham nhũng chưa triệt để và quyết liệt, chưa đạt hiệu quả, tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí vẫn còn phổ biến, chưa có cơ chế bảo đảm an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng, việc chống tham nhũng và công tác thanh tra xử lý còn yếu kém, chưa triệt để, một số vụ việc xử lý giải quyết chậm, chưa nghiêm, không tới nơi tới chốn. Nhà nước thành lập nhiều đoàn thanh tra chồng chéo nhau, hoạt động không hiệu quả,… Đặc biệt một số vụ tham nhũng lớn đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”.

Đa số ý kiến góp ý cũng cho rằng các trường hợp tham nhũng còn xử lý nhẹ, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa cao, dẫn đến sai phạm nặng nề hơn; cần tập trung công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức; kiên quyết hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng; thành lập các cơ quan chuyên môn phòng, chống tham nhũng độc lập dưới sự điều hành của Bộ Chính trị...

Ngoài ra, nhân dân thành phố cũng góp ý: “Có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng tham nhũng, lãng phí; đồng thời thu hồi tiền, của và bồi thường thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra; cần tìm ra nguồn gốc phát sinh và đề ra quy trình, lộ trình ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhân dân thành phố cho là đường lối của Đảng đúng đắn, nhưng do người thực thi nhiệm vụ chưa tốt, phát hiện sai phạm về tham nhũng rất ít.

Đảng viên, nhân dân TPHCM đề nghị: “Trung ương cần đề ra Nghị quyết và giải quyết quyết liệt các trường hợp tham nhũng. Nên xem “tham nhũng” hiện nay là “quốc nạn” để nhanh chóng và kịp thời giải quyết từ Trung ương đến địa phương, “từ gốc đến ngọn”.

Tùng Nguyên