Cán bộ không đủ tín nhiệm, người đề bạt đề nghị miễn nhiệm

(Dân trí) - Cán bộ có tín nhiệm thấp sau khi lấy phiếu được khuyến khích từ chức. Cơ quan quản lý, người đề bạt cán bộ có thể trình Quốc hội miễn nhiệm và giới thiệu nhân sự thay thế… Đây là những nội dung cụ thể trong Nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm.

Bản dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo các cấp với những quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành vừa được trình bày trước Quốc hội.

Theo đó, mục đích của công tác này là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan đối với cán bộ của mình, giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động.
 
49 cán bộ cấp cao sẽ do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (ảnh minh họa: Việt Hưng)
49 cán bộ cấp cao sẽ do Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm
 
Lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm để đánh giá mức độ tín nhiệm, làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền. Bỏ phiếu tín nhiệm là thao tác để đại biểu Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với cán bộ, làm cơ sở cho việc miễn nhiệm chức vụ người này khi không còn tín nhiệm (hình thức này gần với bỏ phiếu bất tín nhiệm ở một số quốc gia khác).

Như vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một căn cứ để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ.

Thông qua việc lấy phiếu, bỏ phiếu, cơ quan chức năng cũng có căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo, quản lý những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ.

Về thẩm quyền, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước. Tổng số cán bộ diện này là 49 người.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được gửi đến UB Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật đối với từng vị trí cụ thế và xem xét tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hằng năm và đề nghị quy định rõ thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là vào kỳ họp Quốc hội. Lý do đưa ra khi chọn thời điểm này là để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người lãnh đạo, đồng thời đủ điều kiện để đánh giá một cách toàn diện kết quả công tác trong năm trước đó.

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành với bước đầu tiên là UB Thường vụ xem xét báo cáo công tác của cán bộ được lấy phiếu, chậm nhất 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Quốc hội sau đó quyết định ngày lấy phiếu tín nhiệm trong chương trình kỳ họp.

Chậm nhất 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi yêu cầu bằng văn bản đến cán bộ sẽ lấy phiếu yêu cầu giải trình, làm rõ những nội dung về việc thực hiện nhiệm vụ hoặc về vấn đề đạo đức, lối sống của người này. Người được lấy phiếu tín nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu bằng văn bản.

Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được tổng hợp, trình Quốc hội thông qua trong một Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm. Cán bộ có quá nửa số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó.

Cơ quan quản lý, người đề bạt cán bộ trước đó có thể trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm/phê chuẩn việc miễn nhiệm cán bộ để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn. Cơ quan quản lý cũng phải chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế. Trường hợp cán bộ bị đề xuất miễn nhiệm hết nhiệm kỳ sẽ không được tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó ở nhiệm kỳ tiếp theo.

UB Thường vụ trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với cán bộ có trên 2/3 tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai và đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế. Với trường hợp cán bộ không vượt tỷ lệ tín nhiệm “quá bán” trong 2 năm liên tiếp cũng phải chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm.

P.Thảo