Lãnh đạo có thể xin từ chức nếu tín nhiệm thấp
(Dân trí) - Theo UBTV Quốc hội người bị đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; nếu 2 năm liên tiếp có quá nửa đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ... tổng số là 49 người. Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các uỷ viên của Hội đồng, Uỷ ban (tổng số là 380 người).
HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thường trực HĐND (2-3 người), Trưởng các Ban của HĐND (2-4 người); Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của UBND (3-13 người). Các Ban của HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên của ban mình, trừ Trưởng ban (gồm từ 2-4 ban, mỗi ban có từ 5-15 người).
Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Quốc hội; các Ban của HĐND có trách nhiệm gửi kết quả lấy phiếu tín nhiệm đến Thường trực HĐND để tổng hợp, báo cáo HĐND cấp mình. Quốc hội, HĐND ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân đầu tiên trong năm, tính từ năm tiếp sau năm bắt đầu nhiệm kỳ. Quốc hội, Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm.
Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm và các mức độ đánh giá tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp”, “chưa có ý kiến”.
Người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức nếu xét thấy bản thân không đủ tín nhiệm hoặc không đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ đó; cơ quan hoặc người đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có thể trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm người đó để điều động sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, đồng thời chủ động đề nghị cơ quan có thẩm quyền lựa chọn người để giới thiệu thay thế; trường hợp đã hết nhiệm kỳ thì không tiếp tục giới thiệu tái cử chức vụ đó nhiệm kỳ tiếp theo.
Đối với người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế.
Đối với người có 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình. Hơn nữa, việc lấy phiếu đánh giá quá thường xuyên dễ tạo tâm lý “dĩ hòa vi quý”, e dè, ngại đổi mới, khó có thể tạo ra những bước chuyển đột phá tích cực trong công việc.
Quang Phong